Trước đó, khoảng 7 giờ, sáng 21-7, tại khu vực tổ 30, ấp Chánh Hưng, xã Bình Long xảy ra sụp, lún mặt đường dài khoảng 100m, ăn sâu từ phía bờ kênh vào mặt đường khoảng 8-10m, có nơi ăn sâu vào 1/3 nhà dân. Trên bề mặt đoạn sụp, lún xuất hiện nhiều vết răn nứt, tách thành từng mảng ngã ra mép bờ kênh, có nơi lún sâu đến 1,5m so với bề mặt nền đường hiện trạng. Về phía hạ nguồn đoạn sụp lún 200m, trong đó có đoạn kè đang thi công, dài 38m.
Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang đã tiến hành đo đạc địa hình đáy kênh Cây Dương, khu vực xảy ra sạt lở đất bờ, với chiều dài 2,2km, từ đầu vàm Cây Dương về hạ nguồn, chiều rộng trung bình 45m, dòng kênh thẳng, không khúc co. Qua khảo sát, địa hình đáy sông đoạn kênh Cây Dương hầu hết có dạng hình chữ V, đáy hầu như nằm giữa kênh, với độ sâu phổ biến từ -4m đến -5m, quanh khu vực sạt lở, không xuất hiện hố sâu bất thường.
Phía bờ Nam kênh Cây Dương (thuộc xã Bình Mỹ), mật độ nhà trên cọc dày đặc, bờ Bắc kênh Cây Dương (thuộc xã Bình Long) nhà dân thưa thớt và có một số ít láng trại. Kết cấu chân bờ kênh hầu hết là sét gắn chắc, nhưng lớp phủ là cát pha sét bở rời dày khoảng 2m. Thêm vào đó, mực nước hiện trạng đến bờ là 3m, mái khá dốc, dòng chảy giữa dòng mạnh, không xuất hiện dòng chảy xoáy. Đường bê-tông Bắc Cây Dương nằm gần bờ kênh, phương tiện giao thông chủ yếu là xe gắn máy, thỉnh thoảng có xe bốn bánh. Dưới kênh, phương tiện thủy thường xuyên lưu thông, trong đó có nhiều ghe bầu và xà lan qua lại.
Từ các yếu tố trên, cho thấy bờ kênh khu vực xảy ra sạt lở, sụp, lún có kết cấu và liên kết yếu, đường bờ cao so với mực nước, vách bờ đứng, thường xuyên chịu xâm thực do sóng. Ngoài ra, còn chịu ảnh hưởng của tải trọng xe cộ di chuyển, cộng với việc mưa nhiều gây thấm làm mềm đất bờ và tác động của việc ép cọc làm kè gây mất liên kết tự nhiên của bờ đất.
P.V