Đỡ đầu học sinh hoàn cảnh khó khăn

04/08/2022 - 07:50

 - Xuất phát từ mong muốn giúp đỡ học sinh nghèo, phong trào nhà giáo đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn mỗi năm thêm lan tỏa trên địa bàn tỉnh. Ngoài tính nhân văn, phong trào còn tô thắm hình ảnh cao đẹp của người thầy đối với các học trò thân yêu của mình, trở thành việc làm thường niên của công đoàn cơ sở (CĐCS) và lãnh đạo nhà trường.

Trao quà và tiền đỡ đầu cho học sinh hoàn cảnh khó khăn từ nguồn đóng góp của giáo viên, nhà hảo tâm

Nhằm góp phần hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng, công đoàn giáo dục tỉnh tiếp tục phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang chỉ đạo các CĐCS trường học duy trì thực hiện tốt phong trào đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm học 2021-2022, có 881 tập thể và 1.849 cá nhân thuộc Liên đoàn Lao động huyện, thị xã, thành phố đã vận động đỡ đầu 4.938 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Ngoài ra, có 173 tập thể và 743 cá nhân ở các CĐCS trực thuộc công đoàn ngành giáo dục nhận đỡ đầu 1.041 học sinh.

Hình thức đỡ đầu cho học sinh rất đa dạng, cả về tinh thần lẫn vật chất, tùy vào hoàn cảnh của từng em mà giáo viên đóng góp, vận động các nguồn lực hỗ trợ phù hợp. Trong đó, hình thức hỗ trợ phổ biến là giúp học sinh đóng học phí, mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tai nạn, hỗ trợ đồng phục học sinh, đồng phục thể dục, tập, sách giáo khoa, xe đạp, gạo, tiền mặt... Năm học 2021-2022, đoàn viên công đoàn ngành giáo dục đã hỗ trợ học sinh với tổng số tiền gần 2,6 tỷ đồng. Để biểu dương nghĩa cử này, công đoàn ngành giáo dục đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo khen thưởng 13 tập thể (11 huyện, thị xã, thành phố và 2 CĐCS trực thuộc).

Mỗi đơn vị đều có cách làm linh hoạt, đáp ứng thiết thực nhu cầu cần được giúp đỡ của học sinh. Điển hình như tại huyện Phú Tân, CĐCS Trường THCS Phú Hưng vận động công đoàn viên tặng học bổng cho 5 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt (mồ côi, cha mẹ ly hôn hoặc tai nạn lao động) ở 4 khối lớp.

Chủ tịch CĐCS Trương Thị Kim Loan cho biết, 4 năm nay, mô hình đỡ đầu cho học sinh vượt khó học giỏi được đoàn viên tham gia tích cực. Mỗi đoàn viên tự nguyện đóng góp 10.0000-20.000 đồng/tháng, số tiền được công khai và trường tiến hành xét những hoàn cảnh cấp thiết nhất để hỗ trợ. Trong 9 tháng của năm học, giáo viên góp tiền lương để cấp cho mỗi em 250.000 đồng/tháng, động viên các em tiếp tục việc học. Đến nay, trường đã giúp đỡ 12 học sinh, có em đã nỗ lực tốt nghiệp xong lớp 12.

Tương tự, tại Trường THCS Bình Thạnh Đông, CĐCS phát động đoàn viên tiết kiệm 10.000 đồng/tháng. Cuối học kỳ, số tiền tích lũy được dành để khen thưởng cho các em có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vượt khó trong học tập. Các đơn vị khác cũng vận động đoàn viên tùy theo điều kiện tham gia hỗ trợ học sinh về BHYT, đồng phục, tập vở…

Cô Hồ Thị Phượng Anh (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học “B” Nhà Bàng, thị trấn Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết, trường có đông học sinh hộ khẩu thuộc địa bàn thị trấn. Tuy ở địa bàn trung tâm, nhưng còn rất nhiều em hoàn cảnh khó khăn, một phần gia đình các em còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Đơn cử như trường hợp em Phan Văn Tỷ (học sinh lớp 5C) mồ côi cả cha lẫn mẹ. Số tiền đóng góp của giáo viên đã hỗ trợ em hàng tháng 100.000 đồng.

Ngoài ra, em Tỷ còn được tặng thẻ BHYT (thời hạn 1 năm), tặng đồ đồng phục và thể dục trị giá 220.000 đồng. “Từ đầu năm học, công đoàn đã vận động đoàn viên đóng góp vào hoạt động này, kết quả đã đỡ đầu được 74 em bằng các dụng cụ học tập, tiền ăn hàng tháng, mua thẻ BHYT (thời hạn 1 năm), tặng đồ đồng phục và thể dục” - cô Phượng Anh thông tin.

Với cách làm tương tự, nhiều năm nay, Trường tiểu học Long Hưng (TX. Tân Châu) duy trì phát động công đoàn viên đóng góp và vận động thêm nhà hảo tâm cùng đồng hành. Có 20 em học sinh hoàn cảnh khó khăn đã được tiếp sức kịp thời, bằng cách mua BHYT, tặng gạo, tập vở.

Còn Trường THCS Quản Cơ Thành (huyện Châu Thành) đã có 83 học sinh được hỗ trợ nhờ việc đỡ đầu của các giáo viên. Trong đó, thầy Bùi Hữu Đức hỗ trợ 33 học sinh, mỗi em 6 tháng tiền đóng BHYT, tổng trị giá hơn 9,2 triệu đồng. Cô Bùi Hồng Thắm vận động hỗ trợ 2 học sinh được đóng BHYT. Ngoài ra, còn 58 học sinh được hỗ trợ xe đạp, sách giáo khoa, tập, đồng phục từ nguồn đóng góp của các giáo viên trích lương vì học trò của mình.

Thực tế, vẫn còn nhiều thầy, cô giáo hoàn cảnh còn khó khăn vẫn dành tấm lòng của mình qua những đồng tiền đóng góp vì học sinh. Nghĩa cử cao đẹp từ tấm lòng của các thầy, cô đã được lan tỏa. Ý chí bám trường, bám lớp và sự tiến bộ trong học tập của các em trở thành món quà đền đáp ý nghĩa để thầy, cô tiếp tục cống hiến vì những thế hệ học trò tiếp theo.

Nhằm góp phần hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng và thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, từ năm học 2013-2014, công đoàn ngành giáo dục phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Phong trào duy trì đến nay, được cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành đồng thuận và tích cực hưởng ứng, được các cấp chính quyền đánh giá cao.


MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích