Doanh nghiệp An Giang ứng dụng thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19

23/11/2021 - 07:04

 - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành phương thức giao dịch được sử dụng phổ biến, lựa chọn tối ưu của doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng. Bắt kịp với xu thế đó trong bối cảnh dịch bệnh, các DN ở An Giang đã đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử bằng các hình thức bán hàng đa kênh, đa phương tiện và đa tiện ích; kết nối đều đặn thường xuyên với bạn hàng, đối tác, thậm chí còn kết nối được nhiều đơn hàng hơn hình thức truyền thống.

Để đẩy mạnh xuất khẩu trên sàn thương mại điện tử, trước hết, DN cần đáp ứng các yêu cầu thông thường đối với hoạt động thương mại, như: Chất lượng sản phẩm; kỹ năng marketing trên mạng; phương thức thanh toán, bảo mật; lòng tin của khách hàng…

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) Nguyễn Ngọc Vinh cho biết, ngoài bán hàng trên trang online http://antescomart.com, công ty còn bán hàng trên trang voso.vn, sendo.vn. Antesco với các sản phẩm chủ lực là rau quả nhiệt đới đông lạnh IQF và thực phẩm đóng hộp luôn khẳng định được vị thế của mình.

Các sản phẩm chính tiêu thụ tốt nội địa chủ yếu là đồ hộp, như: Mắm cá linh chưng, cá linh kho mía, cá mè vinh kho lạt, chôm chôm nhân khóm, bắp non đóng lon, trà râu bắp. Hàng đông lạnh có đậu nành rau nguyên trái đông lạnh, đậu nành rau tách hạt đông lạnh, bắp non nguyên trái đông lạnh. Hiện, công ty phát triển các đại lý tại khu vực ĐBSCL và chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh.

Sản phẩm của Công ty Antesco

Chị Chau Ngọc Dịu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Palmania (thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn) - người đã xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm đường thốt nốt sệt Palmania được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận, sản phẩm đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao.

Chị Dịu chia sẻ: “Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 việc giao thương, xúc tiến thương mại trực tiếp gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, thích ứng phù hợp hoàn cảnh, các kênh giao thương, giới thiệu sản phẩm dần chuyển qua hình thức trực tuyến. Palmania kinh doanh, quảng bá sản phẩm trong hoàn cảnh hiện tại qua kênh kết nối giao thương trang thương mại điện tử: Tiki, Lazada, Shopee... Với thị trường xuất khẩu, Palmania tham gia chương trình giao thương trực tuyến được Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (Bộ Công thương) tổ chức. Sắp tới, Palmania tham gia hội chợ Foodexpo - Hội chợ Quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2021 vào ngày 7 đến 10-12-2021, tạo gian hàng thế giới ảo sinh động có đầy đủ hình ảnh sản phẩm.

Để chuẩn bị tốt cho việc giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, Palmania đầu tư công sức rất nhiều vào hình ảnh, tờ rơi, Brochure. Đặc biệt là Website của công ty có song ngữ Việt - Anh giới thiệu câu chuyện sản phẩm, quy trình sản xuất, hình ảnh, công bố thông tin minh bạch, rõ ràng về sản phẩm. Hiện tại, Palmania xây dựng nhiều kích cỡ, sản phẩm, các hình thức đóng gói phù hợp nhu cầu khách hàng. Bên cạnh dòng sản phẩm tiện ích đóng gói, bao bì nhỏ, Palmania có thêm dòng sản phẩm đóng gói túi to khách hàng sử dụng hiệu quả kinh tế”.

Anh Trần Thanh Nghị, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển đặc sản vùng miền Trần Gia (huyện Tịnh Biên) cho biết: “Công ty đã và đang dùng kênh digital marketing để quảng bá thương hiệu, bán hàng, như: Facebook, Tiki, Lazada... Đặc biệt website https://thnotstore.com/ được cấu hình theo định dạng thương mại điện tử để người tiêu dùng mua hàng dễ dàng, nhanh chóng.

Trong tình hình đại dịch COVID-19 như vừa qua, hình thức mua sắm trực tuyến (online) tăng cao nên thương mại điện tử giúp khách hàng mua hàng tiện lợi. Hiện tại, công ty phát triển gần 20 sản phẩm đa dạng từ sản phẩm phổ thông đến cao cấp, giá từ thấp đến cao được phân phối tại các siêu thị, bán trực tiếp và trực tuyến. Ngoài thị trường trong nước còn xuất khẩu sang các nước: Nga, Trung Quốc, Úc, Đài Loan, Hàn Quốc...”.

Với sản phẩm đạt OCOP 3 sao, khô cá lóc của Hộ kinh doanh Kim Loan (huyện Chợ Mới) tiêu thụ rất tốt trong mùa dịch COVID-19. Chị Nguyễn Thị Kim Loan cho biết: “Do ảnh hưởng dịch bệnh không bán trực tiếp được, cơ sở chủ động kết nối với bạn hàng, khách hàng qua mạng xã hội, như: Zalo, Facebook, Alibaba.com, https://dacsanvietnam.vn/, sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn... Nhờ đó, sản phẩm bán chạy, chủ yếu bỏ mối các chợ truyền thống, khu công nghiệp, siêu thị trong tỉnh và đã liên hệ mở rộng kinh doanh giao hàng cho các siêu thị mi-ni tại TP. Hồ Chí Minh”.

Ngành thương mại điện tử đang mang lại nhiều động lực cho sự phục hồi kinh tế, vốn chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Ứng dụng rộng rãi hoạt động thương mại điện tử giúp cho các DN ở An Giang vượt qua khó khăn, ảnh hưởng do dịch bệnh.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU