Những tấm pin mặt trời của nhà máy điện mặt trời nổi được lắp đặt trên mặt hồ thủy điện Đa Mi (Bình Thuận). Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN
Dự thảo Quy hoạch điện VIII của Chính phủ định hướng phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; trong đó, ưu tiên phát triển năng lượng sạch, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, đặc biệt khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng.
Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỷ trọng nhiệt điện than xuống còn khoảng 9,5%; phát triển năng lượng điện tái tạo đạt tỷ lệ 32% vào năm 2045, hướng đến thực hiện cam kết mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt ra tại Hội nghị COP26.
Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương Hoàng Tiến Dũng đánh giá, nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao.
Thống kê giai đoạn 2011 - 2020, điện thương phẩm của Việt Nam đạt mức tăng trưởng bình quân 9,6%/năm. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt 8,52 % ở kịch bản cơ sở và 9,36 % ở kịch bản cao.
Trong khi đó, theo quan sát của Công ty Chứng khoán Ngân hàng VCB (VCBS), sản lượng năng lượng tái tạo của Việt Nam đã tăng gấp hơn 6 lần từ năm 2019 đến năm 2021. Xét về tỷ trọng cũng tăng lên 13,8% tổng sản lượng toàn hệ thống trong 5 tháng đầu năm nay, từ con số chỉ 2,5% vào năm 2019.
Hiện nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu ghi nhận lợi nhuận từ mảng năng lượng tái tạo. Theo kết quả sản xuất kinh doanh nửa đầu năm nay, lũy kế sản lượng điện của Công ty Tập đoàn Hà Đô ước đạt hơn 600 triệu KWh với tổng doanh thu bán điện đạt hơn 920 tỷ đồng, cao hơn 82% cùng kỳ năm trước và vượt 47% so với kế hoạch. Trong số đó, việc vận hành ổn định các dự án điện mặt trời, điện gió cũng đã bổ sung thêm hơn 130 triệu KWh và hơn 290 tỷ đồng doanh thu cho tập đoàn này.
Về phía Công ty Điện Gia Lai, chuyên gia của VCBS đánh giá, với 125,2 MW điện gió hoạt động cuối năm 2021, lợi nhuận năm 2022 sẽ tăng trưởng tốt. Theo đó, 3 dự án gồm: 1 dự án trên bờ hưởng mức giá 8.5 cent/kWh, còn lại 2 dự án gần bờ hưởng mức giá bán 9.8 cent/kWh đang vận hành khá ổn định và hầu như không bị cắt giảm công suất. Dự kiến, các dự án này sẽ đem lại lợi nhuận sau thuế khoảng 140 tỷ đồng trong năm 2022.
Doanh nghiệp này đang tiếp tục đầu tư dự án điện gió Tân Phú Đông 1, với công suất 100 MW và dự kiến còn có các dự án điện gió VPL Bến Tre giai đoạn 2, với công suất 30 MW, điện mặt trời Đức Huệ 2, với công suất 49 MWp.
Nhìn chung, các dự án năng lượng tái tạo gần đây phát triển mạnh chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam với đặc điểm phù hợp về điều kiện tự nhiên. Sơ bộ đến năm 2021, khu vực miền Trung phát triển khoảng gần 9 GW năng lượng tái tạo và khu vực miền Nam có công suất đặt lên tới gần 12 GW.
Theo giới phân tích nhận định, chi phí đầu tư năng lượng tái tạo tăng trở lại trong giai đoạn năm 2021 - 2022, nhưng dự kiến tiếp tục xu hướng giảm trong dài hạn, giúp gia tăng biên lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Chi phí các nguyên vật liệu sản xuất ra panel mặt trời và turbine gió tăng mạnh từ 2021 đến nay. Theo đó, silicon sản xuất panel đã tăng gấp 4 lần, giá thép tăng 50%, đồng tăng 70%, nhôm tăng gấp đôi. Ngoài ra, chi phí vận chuyển cũng tăng gần 5 lần.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA) ước tính, chi phí đầu tư điện mặt trời và điện gió đã tăng khoảng 15% - 25% so với năm 2020. Trong số đó, chi phí vận chuyển ảnh hưởng lớn nhất đến điện gió. Đối với điện mặt trời, các yếu tố như polysilicon, kim loại hay vận chuyển tác động khá đồng đều.
Tuy nhiên, với giá dầu/khí duy trì ở mức cao, đặc biệt cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine khiến cho các nước châu Âu đẩy nhanh hơn quá trình đầu tư năng lượng tái tạo trước đó. Lợi thế kinh tế nhờ quy mô cùng kỳ vọng các nguyên vật liệu giảm nhiệt giúp chi phí đầu tư năng lượng tái tạo tiếp tục giảm theo xu hướng dài hạn.
Mới đây, Tờ The National News của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) dẫn báo cáo của Công ty Nghiên cứu BloombergNEF cho biết, đầu tư toàn cầu vào các dự án năng lượng mặt trời có quy mô nhỏ và lớn tăng 33% trong nửa đầu năm nay, đạt mức kỷ lục 120 tỷ USD, trong khi đầu tư vào các dự án điện gió tăng 16%, lên 84 tỷ USD.
Trước đó, báo cáo công bố hồi tháng 6/2022 của IEA cho hay, đầu tư vào ngành năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ tăng 8% trong năm nay, lên 2.400 tỷ USD nhờ mức đầu tư kỷ lục cho năng lượng sạch.
Trên thị trường giao dịch, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, dòng tiền thể hiện xu hướng quan tâm tới mảng năng lượng sạch. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chứng khoán đưa cổ phiếu của doanh nghiệp tái tạo vào danh mục đầu tư trong dài hạn.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 12/8, cổ phiếu của các doanh nghiệp tái tạo đều ghi nhận mức tăng tích cực đến 4%. Đơn cử như cổ phiếu GEG của Công ty Điện Gia Lai niêm yết ở mức 22.100 đồng, HDG của Công ty Tập đoàn Hà Đô ở mức 51.800 đồng, REE của Công ty Điện cơ lạnh ở mức 80.600 đồng, BCG của Công ty Tập đoàn Bamboo ở mức 17.150 đồng...
Theo Báo Tin Tức