Công nhân Công ty cổ phần DAP VINACHEM tại Khu công nghiệp Ðình Vũ (Hải Phòng) vận hành máy phát điện tua-bin hơi nước. (Ảnh NGÔ QUANG DŨNG)
Tình trạng thiếu điện thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác Hà Nội CNC (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) Nguyễn Minh Châu cho biết, không có điện thì mọi hoạt động của doanh nghiệp ngừng trệ. Hiện nay, đơn hàng rất hạn chế, nhưng khi đã ký kết được đơn hàng mà doanh nghiệp lại rất khó hoàn thành đơn hàng đúng hạn do cắt điện.
Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Công nghệ PMA (huyện Hoài Ðức, Hà Nội) gần đây chỉ dám nhận khoảng 80% công suất sản xuất. Ông Nguyễn Thành Luật, Giám đốc Sản xuất của công ty chia sẻ: “Công ty không dám nhận nhiều đơn hàng, bởi tình trạng cắt điện khiến hoạt động sản xuất bị ngừng trệ, không bảo đảm đúng thời gian giao hàng. Mà nếu trễ hẹn với khách hàng thì sẽ ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp. Chưa kể, khi máy móc công nghệ cao đang chạy mà mất điện đột ngột sẽ gây hỏng phôi, gãy dao phụ...”.
Hải Phòng là thành phố công nghiệp trọng điểm và có tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao. Trong 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng điện thương phẩm của thành phố đạt gần 3 tỷ kW giờ, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, gần 63% sản lượng này phục vụ sản xuất công nghiệp, xây dựng.
Theo Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng Bùi Quang Hải, trong tháng 5 và đầu tháng 6, nắng nóng kéo dài, nguồn điện quốc gia bị thiếu hụt, mức phân bổ khả dụng nguồn cho thành phố thấp, việc sử dụng điện của doanh nghiệp và người dân tăng cao, dẫn đến thiếu hụt công suất nguồn và xảy ra các sự cố về điện trên lưới 220kV, 110kV và lưới trung áp… ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, tình trạng cắt điện sản xuất diễn ra liên tục thời gian qua làm các doanh nghiệp lao đao. Cụ thể, từ ngày 3 đến ngày 6/6, bốn Khu công nghiệp Phúc Khánh, Nguyễn Ðức Cảnh, Sông Trà và Gia Lễ bị cắt điện từ 12 giờ trưa đến 24 giờ đêm; từ ngày 7 đến 9/6, tiếp tục bị cắt điện sản xuất từ 12 giờ trưa đến 20 giờ tối. Việc cắt điện diễn ra đến ngày 12/6 và sau đó đã ổn định trở lại.
Tại các khu công nghiệp nêu trên, gần 100 dự án bị ảnh hưởng trực tiếp. Việc điều chỉnh sản xuất hầu như không thực hiện được do thời gian cắt điện hiện nay kéo dài 12 tiếng, người lao động (phần nhiều là nữ giới) không có đủ sức khỏe để thay đổi giờ làm sớm hơn bình thường. Hiện có Công ty TNHH Gateway Lighting Việt Nam (Khu công nghiệp Gia Lễ) đã điều chỉnh giờ làm việc từ 4 giờ sáng, đến khoảng 8 giờ thì công nhân được ăn ca, tiếp tục làm đến 12 giờ trưa rồi nghỉ. Sở dĩ doanh nghiệp phải duy trì sản xuất theo lịch này là do đơn hàng đã ký và đến thời điểm phải giao hàng cho đối tác.
Hiệp hội đã tuyên truyền, đề nghị doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với ngành điện. Tuy nhiên, cũng đề nghị Công ty Ðiện lực Thái Bình ưu tiên cung cấp điện sản xuất cho doanh nghiệp để phát triển kinh tế-xã hội, nhất là những lĩnh vực đặc thù như: thu mua lúa gạo, thủy sản, chế biến đông lạnh…; nếu cắt thì cần thông báo sớm để doanh nghiệp chủ động tổ chức lại kế hoạch hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình Trần Văn Quang
Công ty Ðiện lực Thái Nguyên bảo dưỡng, sửa chữa đường dây tải điện, hạn chế thấp nhất xảy ra sự cố khi mưa bão. (Ảnh THẾ BÌNH)
Tỉnh Bắc Giang đã có văn bản chỉ đạo các giải pháp cấp bách tăng cường tiết kiệm điện; ưu tiên cấp điện cho sản xuất vào ban ngày, ban đêm thì ưu tiên cấp điện cho người dân sinh hoạt. Ðại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, từ ngày 6/6 đến nay, tất cả doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh đã được cấp điện liên tục từ 7 giờ 45 phút đến 17 giờ hằng ngày để sản xuất.
Bên cạnh đó, ngành chức năng ưu tiên cấp điện cho một số doanh nghiệp có đơn hàng gấp và hệ thống máy móc thiết bị yêu cầu kỹ thuật phải sử dụng điện 24/24 giờ. Hiện nay, tỉnh đang ưu tiên cấp điện 24/24 giờ cho 22 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, trong đó có chín doanh nghiệp sản xuất pin năng lượng mặt trời.
Tại Thái Nguyên, mỗi tháng Nhà máy sản xuất Fero Cilic Thái Nguyên (thuộc Công ty cổ phần Cơ điện luyện kim Thái Nguyên) sử dụng hơn 20 tỷ đồng tiền điện, bằng 50% so với lượng điện sử dụng của huyện Phú Bình. Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Trường Nguyên chia sẻ: Từ 23 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, lượng điện được cung cấp đủ công suất, giá điện rẻ, công ty nâng lên mức tối đa công suất sản xuất.
Do đó, công ty vẫn hoạt động ổn định, đáp ứng các đơn hàng, bảo đảm việc làm cho hơn 200 lao động. Hiện nay, Tổ hợp Samsung Thái Nguyên, Công ty cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đều đầu tư nguồn phát điện từ vài MW đến hàng chục MW để chủ động nguồn điện phục vụ sản xuất.
Tại thành phố Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Ðiện lực Hải Phòng đã vận động doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ điện lớn như các nhà máy thép, nhà máy xi-măng tiết giảm công suất bằng việc bố trí sản xuất hợp lý, tạm dừng các phụ tải chưa thật cấp bách, bố trí các dây chuyền sản xuất so le, không hoạt động cùng lúc trong thời gian cao điểm…
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DAP VINACHEM tại Khu công nghiệp Ðình Vũ (Hải Phòng) cho biết, ngay từ đầu mùa nắng nóng, công ty đã tự nguyện điều tiết giảm điện nhận lưới. Thay vào đó, công ty tăng tối đa công suất vận hành máy phát điện turbine hơi nước công suất 12MW, nâng cao hiệu suất vận hành nồi hơi tận dụng nhiệt thừa của Nhà máy a-xit Sunfuric, tăng công suất sản sinh hơi nước cho phát điện.
Cùng với các giải pháp tăng công suất phát điện và tiết giảm phụ tải trong giờ cao điểm, những ngày cao điểm nắng nóng trong tháng 5 và tháng 6, công ty đã chủ động giảm tiêu thụ điện từ 30.000 đến 40.000kW giờ mỗi ngày, nhất là giảm tiêu thụ điện vào giờ cao điểm. Với việc vận động các khách hàng sử dụng điện lớn thực hiện tiết giảm công suất tiêu thụ (DA) trong giai đoạn nguồn cung thiếu, từ ngày 3 đến 11/6, Hải Phòng đã tiết kiệm được gần 18 triệu kW giờ. Tuy nhiên, do nhu cầu tăng cao đột biến và nguồn cung hạn chế, Ðiện lực Hải Phòng vẫn phải sa thải khẩn cấp hơn 7,5 triệu kW giờ…
Tại Hà Nội, hiện các hoạt động của ngành công nghiệp-xây dựng đang chiếm tới 28% nhu cầu sử dụng điện của thành phố. Do đặc điểm lưới điện thành phố Hà Nội chủ yếu phụ thuộc nguồn cung từ bên ngoài; nguồn từ năng lượng tái tạo và điện rác chiếm chưa đến 1,5% tổng công suất; nguồn máy phát điện dự phòng chủ yếu là nguồn diezen chỉ ưu tiên phục vụ cho bệnh viện, chung cư cao tầng..., cho nên trong trường hợp thiếu nguồn điện, thành phố Hà Nội không thể tự cân đối. Ðể bảo đảm nguồn cung ứng điện, thành phố Hà Nội đang kiến nghị Bộ Công thương cho phát triển điện mặt trời mái nhà, nhất là tại doanh nghiệp sản xuất trong các cụm công nghiệp.
Theo Nhân Dân