Chế biến ngao tại Công ty Lenger Việt Nam (Lenger Seafoods Vietnam) xuất khẩu sang EU, Anh, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. (Ảnh: TTXVN)
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) là một lợi thế của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khi tiếp cận thị trường EU.
Cơ hội rất lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam phải tự ý thức làm ăn bài bản, thiết lập quan hệ bền vững, đồng thời không nên tham gia vào các hành vi gian lận thương mại, chuyển tải hàng hóa để các quốc gia khác trục lợi.
Thông tin này được ông Trần Ngọc Quân, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU chia sẻ tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang Bỉ và EU do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) vừa tổ chức.
Thực tế cho thấy, nông thủy sản Việt Nam đã và đang từng bước được nhận diện trên thị trường EU. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã giúp nông, thủy sản Việt Nam có nhiều lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh trên thị trường có yêu cầu cao này.
Theo ông Trần Ngọc Quân, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của EU là 24,5kg/người/năm. Hằng năm, khối thị trường này nhập khẩu khoảng 30 tỷ USD giá trị từ ngoại khối đối với mặt hàng này.
EVFTA có hiệu lực sẽ xóa bỏ 86,5% kim ngạch trong vòng 3 năm và 90,3% trong 5 năm và 100% trong vòng 7 năm đối với thủy sản Việt Nam. EU cũng cấp hạn ngạch 11.500 tấn cá ngừ và 500 tấn cá viên cho Việt Nam.
Trong nhóm hàng thủy sản, tôm của Việt Nam đặc biệt có thế mạnh, EVFTA giúp tôm sú, tôm thẻ đông lạnh từ mức thuế 4,2% theo thực hành tốt bảo quản (GSP) về 0%. Điều này giúp tôm Việt Nam chiếm lợi thế cạnh tranh tuyệt đối trước mặt hàng cùng loại đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Ecuador chịu thuế 12%, kể cả Ấn Độ và Indonesia chịu thuế 4,2%.
Với ngành hàng rau quả và các loại nông sản khác như càphê, điều, gạo… dù thị trường EU có nhu cầu lớn nhưng yêu cầu chất lượng sản phẩm rất cao, trong khi doanh nghiệp Việt Nam còn yếu về khâu bảo quản và chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các quốc gia khác.
Cũng theo ông Trần Ngọc Quân, đối với hàng nông sản thực phẩm, hầu hết các quy định tại các quốc gia trong khu vực EU là tương đồng, cần chú trọng 2 quy định là Luật Thực phẩm chung và quy định luật hạn chế các hóa chất và chất gây ô nhiễm tồn dư.
Chế biến sản phẩm dứa đóng hộp tại nhà máy của Công ty CP xuất nhập khẩu nông sản An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Riêng với quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm (MRL), mức giới hạn là 0,01mg/kg. MRL thay đổi theo các hoạt chất khác nhau, sản phẩm tươi và sản phẩm chế biến cũng khác nhau. Một số nước như Đức, Áo, Anh, Hà Lan, Bỉ áp dụng mức MRL chặt chẽ và cao hơn quy định của EU.
Ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, quy định về bao bì, tiếp thị, EU còn có một số quy định cá biệt mới; trong đó, các sản phẩm tổng hợp sẽ được xem như là sản phẩm động vật cần xem xét và phê duyệt.
Tần suất kiểm tra rau gia vị của Việt Nam là 50%, thanh long là 10%. Đặc biệt là chính sách Green Deal trong nông nghiệp, chính sách từ trang trại tới bàn ăn; trong đó nội dung cơ bản của Green Deal là đảm bảo tính bền vững trong sản xuất với việc bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái, cung cấp năng lượng sạch giá cả hợp lý và an toàn….
Cùng với đó, chính sách từ trang trại tới bàn ăn mục tiêu chính là đến năm 2030 giảm 50% việc sử dụng và nguy cơ sử dụng thuốc trừ sâu hoá học, giảm thất thoát chất dinh dưỡng ít nhất 50%...
Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại), nhấn mạnh nhờ có hệ thống cảng biển thuận lợi Bỉ được coi là cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực EU.
Thời gian qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bỉ đã cải thiện đáng kể, điều này có được nhờ kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng và mở rộng toàn cầu hóa.
Đáng lưu ý, hiện tại Bỉ cũng là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam trong EU, trao đổi thương mại hai chiều đạt gần 3 tỷ euro/năm theo số liệu từ phía EU.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, với hệ thống giao thông, cầu cảng hiện đại cùng ví trí thuận lợi Bỉ trở thành cánh cửa thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam; trong đó có mặt hàng nông, thủy sản thâm nhập thị trường EU.
Bà Nguyễn Minh Liên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamex - doanh nghiệp thu mua hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Bỉ và EU chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam không chú trọng đúng mức với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khi đưa hàng hóa sang thị trường Bỉ và EU.
Do thị trường EU thực hiện hậu kiểm, hàng hóa được vào hệ thống phân phối, cơ quan chức năng mới đi lấy mẫu và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm; trường hợp không đạt tiêu chuẩn, hàng hóa bị thu hồi, tiêu huỷ hoặc gửi trả lại nhà sản xuất.
Trong hợp đồng, nhà nhập khẩu EU thường yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cho đến khi tới tay người tiêu dùng. Thực tế, không ít doanh nghiệp sản xuất trong nước đã phải chịu phạt, mất thêm chi phí do sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng thường gặp những lỗi rất cơ bản, bao bì không hiển thị đủ thông tin bằng ngôn ngữ theo quy định, buộc phải quay về hoặc bán rẻ sang các thị trường khác.
Bà Nguyễn Minh Liên cũng lưu ý, khi xuất khẩu hàng qua EU, doanh trong nước phải làm việc kỹ với nhà nhập khẩu về nhãn hàng, chất lượng sản phẩm, bao bì đóng gói, kiểm tra hợp đồng… tránh thất thoát và thiệt hại cho các bên.
Từ thực tế kinh doanh, bà Nguyễn Minh Liên nhấn mạnh, siêu thị lớn tại EU không nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ Việt Nam, do vậy để đưa hàng hóa vào thị trường này, doanh nghiệp trong nước nên hợp tác với nhà nhập khẩu EU cho phép ký gửi hàng hóa tại kho.
Bởi theo bà Nguyễn Minh Liên, sử dụng phương thức này, doanh nghiệp có thể mất thêm chi phí lưu kho, tiền hàng sẽ thu chậm hơn nhưng sẽ chắc và an toàn hơn khi thâm nhập thị trường.
Mặt khác, doanh nghiệp cùng ngành hàng trong nước nên liên kết với nhau để đa dạng mặt hàng, đảm bảo đủ sản lượng và tận dụng được container khi xuất khẩu hàng hóa./.
Theo UYÊN HƯƠNG (Vietnam+)