Doanh nghiệp cần thay đổi để thích ứng với yêu cầu mới của nhà nhập khẩu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Rào cản thương mại
Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu tháng 8/2023 cho thấy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%; nhập khẩu giảm 16,2%. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Đức, EU... cũng có mức sụt giảm đáng kể.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trở ngại lớn hiện nay trong xuất khẩu chính là gia tăng đơn hàng và củng cố chất lượng hàng hóa, để vượt qua các rào cản thương mại tại nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều quy định, quy chuẩn từ các thị trường xuất khẩu bắt đầu được áp dụng từ năm 2023, khiến hàng hóa của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong xâm nhập cũng như duy trì kim ngạch thương mại.
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho rằng, theo dõi xu hướng tiêu dùng tại Bỉ và EU cho thấy hàng hóa liên quan đến tiêu chí xanh, sạch và bền vững ngày càng được ưa chuộng. Chính từ xu hướng tiêu dùng này mà EU chuyển hướng, có những thay đổi nhất định trong xu hướng thu mua hàng ở Việt Nam. Doanh nghiệp thu mua ở Bỉ không đơn thuần tìm các nhà xuất khẩu để nhập các mặt hàng, mà hướng tới triển khai hình thức đồng hành với nhà sản xuất, xuất khẩu để cùng định hướng sản xuất. Đi cùng với đó là chu trình sản xuất, thu mua, bảo quản để đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường cũng như tiêu chuẩn của EU.
Hiện EU có 42 FTA có hiệu lực với 79 đối tác và dành cơ chế ưu đãi GSP cho 67 nước đang và kém phát triển. Hàng Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc. Ngoài ra, các sản phẩm của Việt Nam chưa thực sự đảm bảo tính ổn định và chất lượng, hạn chế về hình thức, mẫu mã, chủng loại; chi phí vận chuyển do khoảng cách địa lý cũng làm giảm tính cạnh tranh của hàng Việt.
Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết: Hàng rào kỹ thuật, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật tại nước này ngày càng tăng cường, nghiêm ngặt hơn. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh hàng hóa Việt Nam với chính hàng hóa của nước sở tại. Ngoài ra, khả năng tiếp cận hệ thống phân phối, bán lẻ lớn của nước sở tại của doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế; doanh nghiệp Việt còn thiếu thông tin thị trường và nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng nước nhập khẩu.
Doanh nghiệp cần làm gì?
Ông Trần Minh Thắng, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ) cho biết, thị trường Hoa Kỳ đang có dấu hiệu phục hồi và sẽ tiếp tục tăng trưởng, dự báo nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sẽ phục hồi vào quý IV/2023.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại San Francisco khuyến nghị, để duy trì sức cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam cần nêu cao hiệu quả hóa sản xuất để duy trì giá cạnh tranh; sản xuất sản phẩm chất lượng cao, sáng tạo, tạo ra sự khác biệt, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; đáp ứng nhanh hơn, linh hoạt hơn nhu cầu của thị trường, sở thích của người tiêu dùng; thực hành sản xuất bền vững và có trách nhiệm xã hội. Điều này có vai trò rất lớn đối với thị trường như Hoa Kỳ...
Còn bà Đỗ Việt Hà, đại diện Thương vụ Việt Nam tại thị trường Cộng hòa Liên bang Đức cho rằng, các doanh nghiệp cần phải nắm, cập nhật thường xuyên các quy định tiêu chuẩn kĩ thuật của EU đối với các sản phẩm xuất khẩu sang Đức, đặc biệt là các quy định về trách nhiệm xã hội. Ngoài ra, các doanh nghiệp bắt buộc phải lưu ý đáp ứng đúng tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan trong EVFTA. Lưu ý thẩm định năng lực đối tác trước khi ký hợp đồng đầu tiên. Doanh nghiệp cần có kế hoạch tham gia các hội chợ chuyên ngành, xúc tiến thương mại tại Đức cũng như tại các quốc gia khác.
Ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị các chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí và tạo ra nhiều sản phẩm cạnh tranh.
Cùng với đó, triển khai đồng bộ các chương trình trong chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030 và chiến lược phát triển các mặt hàng chủ lực như chiến lược xuất khẩu mặt hàng gạo; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại.
Một số giải pháp cũng được Bộ Công Thương nhấn mạnh, như tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, tập trung vào xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín, trong đó có hoạt động công bố các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam; tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại, đẩy nhanh đàm phán ký kết hiệp định thương mại với các thị trường còn là tiềm năng (UAE, Mercosur...); hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, tự chứng nhận xuất xứ cho các Sở Công Thương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo TTXVN