Độc đáo ẩm thực Thanh Thủy

21/09/2023 - 13:57

Thanh Thủy (Phú Thọ) được thiên nhiên ban tặng cho nguồn sản vật phong phú, đa dạng, tạo nên nhiều món ăn đặc sắc, hấp dẫn, từ những món thủy sản đặc trưng nơi sông Đà trong mát đến các món ăn mộc mạc, dân dã thôn quê, ghi dấu ấn riêng độc đáo trong bức tranh văn hóa ẩm thực vùng Đất Tổ.

Bợ thơm ngon nức tiếng, thường được du khách mua về làm quà.

Mang hương vị, dấu ấn riêng của con người và vùng đất Thanh Thủy, mỗi món ăn nơi đây, dù là những món thường ngày trên mâm cơm của người dân, hay các món đặc sản nổi tiếng gần xa đều không quá cầu kỳ trong cách chế biến, bày trí nhưng vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ cho thực khách. Trải qua năm tháng, gắn với quá trình sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, người dân Thanh Thủy đã sáng tạo ra nhiều món ăn đa dạng, độc đáo suốt bốn mùa từ những sản vật của núi rừng, sông ngòi, ruộng vườn, tuy dân dã nhưng lại thơm ngon, ăn một lần là nhớ mãi. Về Thanh Thủy, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn hấp dẫn như: Dê núi đá, cá sông Đà, gà ri đồi sỏi, búp khoai kho, bánh tẻ mật Đào Xá, bánh gai làng Vũ, bánh nẳng làng Đào, cỗ lá, rượu cần của người Mường xã Tu Vũ...

Cá sông Đà- món ăn hấp dẫn được nhiều du khách lựa chọn khi đến Thanh Thủy.

Dòng sông Đà chảy qua địa phận huyện Thanh Thủy là nơi sinh sống, trú ngụ của nhiều loài cá ngon, quý như: Cá lăng, cá ngạnh, chép, măng, trắm, chiên... Những loại cá này vốn có tiếng là chắc thịt và thơm ngon, có thể chế biến thành nhiều món đa dạng như nướng than hoa, hấp xì dầu, rang muối, om chuối đậu, nấu lẩu chua cay, làm gỏi... với dư vị đậm đà, lôi cuốn. Chính bởi vậy mà các món ăn từ cá sông Đà đã trở thành đặc sản ấn tượng trong lòng du khách thập phương, mà mỗi khi về với Thanh Thủy nhất định phải thưởng thức. Chị Nguyễn Thu Ngọc, du khách đến từ quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ: “Đây là lần thứ ba tôi và gia đình đến với Thanh Thủy. Mỗi lần đến là lại có một cảm xúc riêng gắn với nhiều kỷ niệm. Các thành viên trong gia đình tôi rất thích không gian nghỉ dưỡng trong lành ở đây, được tắm nước khoáng nóng và cùng thưởng thức các món ăn đặc sản, đặc biệt là các món từ cá sông tươi ngon như cá lăng nướng, cá lăng om chuối đậu, gỏi cá ngạnh”.

Nét độc đáo trong ẩm thực ở Thanh Thủy còn được thể hiện ở vị quê dân dã trong mỗi sản phẩm, món ăn cùng sự kết hợp tinh tế trong cách chế biến. Từ những nguyên liệu sẵn có ở thôn quê như búp khoai, gạo tẻ, gạo nếp, đỗ tương,... người dân địa phương đã tạo ra nét riêng có cho ẩm thực bản địa. Đó là món búp khoai kho với nguyên liệu chính là búp khoai được lựa chọn kỹ vào độ tháng 4, tháng 5, nấu với cua đồng hoặc xương sườn cùng với mẻ hoặc sấu chua, mềm mục, thơm ngậy, đã ăn thì thật khó quên. Đó là món bánh gai làng Vũ (xã Tu Vũ) đen quánh được làm từ gạo nếp ngon xay nhuyễn, lá gai nếp giã mịn, cùng với nhân đỗ xanh vàng óng, dẻo ngọt, thơm phức mùi vừng, dừa. Bên cạnh đó, đến Thanh Thủy, không thể bỏ qua sản phẩm ẩm thực lưu giữ hồn cốt của làng quê - tương làng Bợ (xã Thạch Đồng) nức tiếng được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống. Tương làng Bợ có màu vàng bắt mắt, vị ngọt thơm đậm đà của đỗ tương, gạo nếp và muối hòa quyện, thanh sạch, tinh khiết như chính tấm lòng chân thật của những con người tảo tần, lam lũ nơi đây. Chị Trần Thị Phượng - Giám đốc HTX Tương làng Bợ chia sẻ: “Để tạo ra được sản phẩm tương chất lượng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, người làm tương chúng tôi phải cẩn thận, chăm chút trong từng công đoạn chế biến, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tương làng Bợ là sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, trở thành đặc sản mang dấu ấn rất riêng của vùng đất ven sông Đà, là món quà ý nghĩa cho du khách khi về với Thanh Thủy”.

Bánh tẻ mật Đào Xá dẻo mềm, ngọt dịu, ăn một lần là nhớ.

Không chỉ có mặt trên mâm cơm thường ngày, ẩm thực Thanh Thủy còn gắn liền với các lễ hội dân gian xưa tại các đình, đền trên địa bàn huyện. Trong đó, phải kể đến món ăn dân dã- bánh tẻ mật Đào Xá gắn với lễ hội rước voi truyền thống đình Đào Xá (xã Đào Xá) được tổ chức từ ngày 27 - 29 tháng Giêng hàng năm. Bánh tẻ mật dẻo mềm, hương vị thơm mát, ngọt dịu được làm từ những nguyên liệu là mật mía, bột gạo tẻ và nước gừng tươi, được gói trong lá chuối khô. Trong ngày hội làng, trên mâm cỗ thờ ngoài xôi, chè, gà, hoa quả, người dân còn bày thêm hai đĩa bánh tẻ mật để dâng cúng Thành Hoàng làng, với mong cầu cho mưa thuận gió hòa, bốn mùa ngô lúa tốt tươi, dân làng hòa thuận, đời sống ấm no hạnh phúc. Bánh tẻ mật là món ăn cổ truyền gần gũi của người dân Đào Xá và cũng là thứ bánh đã để lại nhiều ấn tượng mới lạ, sâu sắc cho nhiều du khách về dự hội.

Là một trong những địa bàn trọng điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, với nền ẩm thực đa dạng, độc đáo, huyện Thanh Thủy đã và đang đẩy mạnh quảng bá ẩm thực địa phương, hình thành hệ thống các nhà hàng đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đồng thời xây dựng thương hiệu cho các sản vật đặc trưng. Đến nay, toàn huyện có bảy nhà hàng được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Một số nhà hàng đang lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, công nhận, đưa hoạt động ẩm thực phục vụ du lịch trên địa bàn huyện ngày càng chuyên nghiệp, văn minh.

Theo CẨM NHUNG (Báo Phú Thọ)