Bánh phồng làm bằng khoai mì, thường được gọi là bánh phồng mì ở thị trấn Ba Chúc qua hơn 3 - 4 thế hệ làm nghề truyền thống theo hộ gia đình, “cha truyền con nối”. Theo nhiều người làm bánh phồng cao niên ở đây, để cho ra lò một cái bánh phồng mì ngon phải thực hiện nhiều công đoạn. Muốn bánh ngon, thơm, quan trọng nhất phải chuẩn bị nguyên vật liệu thật kỹ.
Đầu tiên, là chọn những củ khoai mì to, nhiều bột đem lột bỏ vỏ ngoài rồi rửa sạch. Sau đó, khoai mì được hấp chín (nếu luộc khoai mì sẽ bị nhão) rồi tước bỏ phần xơ ở giữa. Bánh ngon hay không phần lớn được quyết định từ khâu quết bột. Để có được mẻ bột ưng ý, người làm phải quết khoai mì đều tay trong cối đá.
Song song đó, người trộn bột phải nhanh nhẹn để đảo đều bột, không nhão quá cũng không khô quá. Như vậy, bột làm ra dẻo, trắng mịn, bánh mới nở đều không bị chai sượng và xốp khi nướng. Khi bột khoai mì được quết xong thì trộn đều với dừa nạo, sữa với đường theo tỷ lệ nhất định. Đây được xem bí quyết và là khâu quan trọng nhất của nghề làm bánh phồng mì.
Bà Dương Thị Ngàn, một trong những thợ làm bánh phồng mì lâu năm
Sự hòa hợp của tất cả các nguyên liệu làm nên hương vị bánh phồng mì ngon, có độ ngọt vừa phải của đường, độ béo ngậy của dừa nạo, mùi thơm của sữa và thơm bùi của khoai mì khi nướng lên. Nếu quết bánh được xem là khâu rất công phu thì khâu cắt bột và cán bánh đòi hỏi người làm phải thật khéo tay. Bột được ngắt thành viên vừa phải có khối lượng bằng nhau và cán trên mâm bằng ống tre, vừa cán, vừa xoay đều để tạo thành hình tròn.
Để có những chiếc bánh tròn đều và độ dày như nhau là cả quá trình tập luyện, chỉ những người khéo tay và giàu kinh nghiệm mới có thể làm được. Bánh cán xong được trải ra các tấm đệm bàng hoặc chiếu lát để phơi khi trời vừa xuất hiện nắng sáng. Điểm độc đáo của bánh phồng tại đây là được làm từ nguồn nguyên liệu khoai mì trồng theo các triền núi ở địa phương nên củ khoai mì to, có nhiều bột.
Trước đây, mỗi năm bánh phồng mì chỉ làm 1 vụ, do phụ thuộc vào cây mì nguyên liệu không sản suất được nhiều vụ trong năm, nhưng từ khi nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi vùng cao đáp ứng đủ nước tưới, cây khoai mì trồng được quanh năm. Nghề làm bánh phồng mì ở thị trấn Ba Chúc theo đó hoạt động quanh năm. Nhưng cao điểm từ tháng 9 (âm lịch) phục vụ cho Lễ Sene Dolta của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer và kéo dài đến Tết Nguyên đán.
Ngày nay, một số cơ sở làm nghề bánh phồng mì truyền thống mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị thay thế sức người, rút ngắn thời gian, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Trong đó, bà Dương Thị Ngàn (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn) là người tiên phong trong đầu tư máy móc, thiết bị, cải tiến kỹ thuật sản xuất.
Theo bà Ngàn, trước đây làm bánh phồng mì sợ nhất là trời mưa. Vì bỏ bao công sức mới làm nên được mẻ bánh phồng mì, nhưng nếu đang phơi gặp mưa, nhiều khi gặp phải 2 ngày không có nắng, bánh sẽ bị hư. Do vậy, để không phụ thuộc vào thời tiết bà Ngàn đã xây dựng hệ thống máy sấy bánh phồng mì bằng điện thông qua sự tư vấn, hỗ trợ của các ngành, các cấp.
“Từ khi có máy sấy, đều đặn mỗi ngày, 2.000 cái bánh phồng mì nóng hổi, thơm phức ra lò vào lúc 5 giờ sáng. Vào dịp Tết Nguyên đán, cơ sở tăng cường sản xuất gấp đôi thường ngày nhưng không đủ cung cấp nhu cầu thị trường” - bà Ngàn chia sẻ. Nhờ vậy, thương hiệu bánh phồng mì Tư Ngàn đã góp phần đưa bánh phồng mì Ba Chúc trở thành đặc sản được nhiều gia đình chọn làm quà biếu.
Hiện nay, bánh phồng mì Ba Chúc của cơ sở không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn “vươn tới” nhiều vùng miền trên khắp cả nước, thậm chí bán ra nước ngoài. Thưởng thức một miếng giòn tan trong miệng, vị ngọt, vị béo cùng hòa quyện vào nhau làm cho chúng ta khó mà quên được hương vị đặc biệt của cái bánh phồng mì dân dã đậm đà hương quê. Cũng giống như bà Dương Thị Ngàn, những người thợ làm bánh nơi đây đã gửi cả tình cảm chân thành vào từng cái bánh phồng mì, để nó có thể đi xa hơn và lưu giữ được nét đẹp quê hương bình dị, thân thương của người dân Ba Chúc.
TRỌNG TÍN