Trước khi vào rừng hạ cây làm cột lễ (cây nêu), đồng bào phải làm lễ cúng thần linh tại nơi định đặt cây nêu, lấy huyết gà và rượu đổ xuống vị trị dựng nêu và lấy cây lao cắm xuống đất rồi đánh cồng chiêng vài lượt để thông báo với thần linh về việc dựng nêu.
Cây nêu của người Cơ Tu đặc sắc cả về nội dung và hình thức. Trên cột lễ được trang trí các họa tiết, phản ánh sinh động về đời sống, sinh hoạt của người Cơ Tu. Mỗi bộ phận trang trí mang một ý nghĩa khác nhau, hướng tới thể hiện ước vọng của người dân về một cuộc sống ấm no, sung túc, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, nảy nở... Theo tài liệu văn hóa dân gian, các mô típ trang trí trên cột lễ của người Cơ Tu có bhrướt pơr lanh (dây thừng); cơteềng pa pát (dây thắt lưng, dây buộc tóc phụ nữ); hình trang trí cách điệu khác có hoa cây chi rong, chuỗi cườm crôi, a pác, crơ lăng, pa pa, gương…
Các hình tượng trang trí mang ý nghĩa như, dây thừng - tượng trưng sợi dây buộc gia súc với mong muốn đàn gia súc mạnh khỏe, sinh sôi đông đúc; dây thắt lưng và buộc tóc hình tượng về vẻ đẹp của người phụ nữ Cơ Tu. Trang trí hình hạt cườm crôi - loại hạt to, đẹp, nhiều mầu sắc, giá trị cao, được đàn ông Cơ Tu ưa thích. Hình trang trí a pác nằm chính diện cột lễ, khắc vẽ hình mặt trăng, mặt trời, lá cây a tút, cây mây... nhiều hình khắc, vẽ khác về vũ trụ, trời đất, ngôi sao, mặt trời, mặt trăng. Trong đó, nổi bật là hình rồng Bha dưa a dóc. Theo tín ngưỡng người Cơ Tu, rồng do thần Nước sinh ra, nuôi dưỡng và sai khiến, một linh vật trừng trị những cái ác, cái xấu, giáo dục con người hướng thiện.
Cột lễ được người Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam làm từ cây gỗ có thân mềm, thẳng và cao khoảng 5 m, không bị sâu mọt.
Già làng Bh’Riu Pố, thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, người nghệ nhân chế tác phải tính toán kỹ tỷ lệ trên cây nêu, những phần thân cột lễ trang trí các hình tượng điêu khắc, mỹ thuật đều gắn với tín ngưỡng lâu đời của người Cơ Tu.
Để cây nêu linh thiêng, người dân lựa chọn các thanh niên khỏe mạnh, trong sạch, gia đình yên ấm, đặc biệt là phải có khả năng điêu khắc và tạo hình khéo léo, mới được tham gia làm cột lễ.
Theo tín ngưỡng của người Cơ Tu, cây cột lễ được chia làm 3 phần, gồm gốc, thân và đỉnh cột, thể hiện sự phân tầng thành 3 không gian tương ứng với 3 thế giới thần linh, con người và ma quỷ.
Các thanh niên Cơ Tu làm cột lễ cho biết, phần gốc cột lễ (tơơm) gồm phần chôn dưới đất và phần lộ thiên để buộc những con vật làm lễ hiến sinh như trâu, bò, ngựa, dê.
Phần thứ hai của cột lễ (tu) là phần phía trên cây cột, được chia thành 9 mô típ trang trí, mỗi mô típ có nội dung khác nhau, được đặt theo thứ tự từ dưới lên trên.
Các chùm tua rua như hoa và bông lúa, biểu trưng cho sự sinh sôi và phát triển, trang trí trên phần đỉnh cột lễ.
Cây nêu là một biểu tượng trung tâm trong các hoạt động văn hóa cộng đồng của người Cơ Tu, cầu nối giữa con người và thần linh thông qua các nghi lễ cầu cúng, hiến tế.
Ở một số nơi, đồng bào Cơ Tu tạc tượng 2 chim tring rồi gắn lên cột, một cách tái hiện hình tượngThần Lúa (Yang Haro) hay hình ảnh của người phụ nữ Cơ Tu trong điệu múa dá dá và giương chính là đôi tay của họ đưa lên trời, cầu xin hạt lúa của thần linh.
Điệu múa "Tân tung da dá" mừng nhà Gươl mới của đồng bào Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam.
Cây nêu là biểu tượng thiêng ẩn chứa và phô diễn tín ngưỡng của tộc người Cơ Tu. Đi cùng với cây nêu là nhiều loại hình nghệ thuật, văn nghệ dân gian đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Cơ Tu, tất cả cùng giao hòa, tạo nên một không gian văn hóa độc đáo trong bức tranh văn hóa Cơ Tu giàu bản sắc.
Theo DƯƠNG NGUYỄN (dangcongsan.vn)