Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. (Nguồn: Cục Di sản văn hóa)
Đón Xuân Quý Mão 2023, thành phố Đà Nẵng đang “khởi sắc” trở lại với những giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ và chính quyền thành phố sau dịch COVID-19.
Cuối tháng 11/2022, Đà Nẵng đón tin vui trong Hội nghị toàn thể lần thứ 9 tại Hàn Quốc của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP) công nhận “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam” là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đây là di sản được công nhận ở tầm khu vực đầu tiên của thành phố và góp phần tạo động lực để Đà Nẵng tiếp tục phát huy được những giá trị đặc sắc của nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Độc đáo Di sản Ma nhai
“Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn” là hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm) được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng. Các văn bản có nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.
Theo nhận định của các chuyên gia, đây là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm bởi những giá trị nhiều mặt về lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục. Trong đó, tiêu biểu Ma nhai “Phổ Đà sơn linh trung Phật” lưu giữ những “ký ức” về mối giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội giữa Việt Nam với các nước trên con đường hàng hải xuyên khu vực, cũng như vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong hôn nhân với người nước ngoài vào thế kỷ XVII.
Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn rất đa dạng về hình thức, phong cách thể hiện. Tính quý hiếm của hệ thống ma nhai thể hiện về mặt số lượng nhiều văn khắc (với 78 văn khắc).
Nhiều ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn còn là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động.
Hiện nay, động Hoa Nghiêm của danh thắng Ngũ Hành Sơn có khoảng 21 Ma nhai, trong đó có 16 Ma nhai còn đọc được nội dung; về niên đại sớm nhất là Ma nhai “Phổ Đà sơn linh trung Phật” (khắc bản năm 1640); muộn nhất là Ma nhai “Phụng tạo Quán Thế Âm Bồ Tát tôn tượng” (Phật lịch 2518-Ất Mùi 1955).
Động Huyền Không đang lưu giữ 30 Ma nhai với các nội dung đa phần là thơ tả cảnh ngụ tình, có Ma nhai là ngự bút của vua Minh Mạng với chữ khắc dịch là “Huyền Không Động” và một số văn bia đề danh, ghi lại kỷ niệm khi vãng cảnh núi Ngũ Hành.
Trên vách đá động Tàng Chơn hiện có 20 Ma nhai; trong đó có 15 bia có chữ khắc rõ, còn đọc được nội dung. Ma nhai có niên đại sớm nhất là “Nam Bảo Đài hình bi” được tạo tác vào thời chúa Nguyễn (trước thế kỷ thứ XVIII), muộn nhất là văn bia đề danh của Mai Viên Nguyễn Khoa Nghi (năm Bảo Đại thứ 13-1938).
Ma nhai ở động Tàng Chơn chủ yếu có nội dung tả cảnh, đề thơ, đề danh, với nhiều thể thức, kiểu chữ đa dạng. Hang Vân Cân Nguyệt Quật, động Thiên Phước Địa, hang Vân Nguyệt Cốc vẫn còn lưu lại 3 Ma nhai ngự bút của vua Minh Mạng ngự chế vào năm 1837 khắc ghi tên hang, động.
Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay, hiện nay trên thế giới, Ma nhai thường có trong hệ thống hang động ở các quốc gia châu Á. Tuy nhiên, không phải tại địa điểm nào cũng lưu lại một số lượng Ma nha lớn, vừa phong phú nội dung, đa dạng về thể loại với các loại hình văn học cổ gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Đây là một nguồn tư liệu lịch sử vô cùng quý hiếm, có giá trị to lớn vượt thời gian tại danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Nguồn di sản tư liệu quý hiếm
Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn” là nguồn tư liệu quý hiếm, nguồn dẫn liệu quan trọng của tất cả các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Đây còn là cứ liệu lịch sử chân xác phản ánh mối quan hệ giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội của ba đất nước: Việt Nam-Trung Quốc-Nhật Bản nói riêng và việc giao lưu hàng hải trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung. Đồng thời, Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn còn là nguồn sử liệu về Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung.
Giai đoạn trị vì của triều đình nhà Nguyễn là thời gian ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn phát triển mạnh về số lượng. Các vua quan, đại thần triều Nguyễn khi ngự giá, tuần du, vãng cảnh, khi chiêm bái sắc núi Ngũ Hành Sơn đều cảm tác và lưu lại thơ văn bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm.
Trong ma nhai Ngũ Hành Sơn, nhiều địa danh các làng xã cổ của địa phương đã được nhắc đến. Sự xuất hiện danh xưng một số làng xã trên tư liệu văn khắc này sẽ giúp bổ sung cho việc nghiên cứu địa danh (khởi danh, cải danh, diên cách) của làng xã đất Quảng, cho các tài liệu cổ như Ô châu cận lục và Phủ biên tạp lục cũng như các bộ địa chí của triều Nguyễn sau này. Đây cũng là nguồn sử liệu quý về địa danh của Đà Nẵng vì nhiều làng xã hiện nay không còn, hoặc chỉ tồn tại với tư cách là khối phố, khu dân cư hoặc chỉ còn được biết đến qua tên đường.
Các ma nhai trên lối vào động Tàng Chơn, danh thắng Ngũ Hành Sơn. (Nguồn: Bảo tàng Đà Nẵng)
Cùng với đó, các Ma nhai còn là nguồn tư liệu quý cho biết diện mạo, vẻ đẹp nguyên thủy của một vùng thắng tích nổi tiếng trong lịch sử. Hầu như trong các Ma nhai dạng thơ vịnh cảnh tại Ngũ Hành Sơn đều nhắc đến vẻ đẹp sông nước của danh thắng. Các con sông Cổ Cò (hay còn gọi là Lộ Cảnh Giang) nằm uốn quanh cụm núi Ngũ Hành Sơn, nối từ Cửa Đại (Hội An-Quảng Nam) đến cửa Hàn (Đà Nẵng)…
Giữ gìn, phát huy giá trị di sản
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng, Phạm Tấn Xử cho biết Chính quyền thành phố và người dân Đà Nẵng trong những năm qua đã giữ gìn, bảo tồn “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn” và đã được các thành viên của MOWCAP đánh giá cao, khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà UNESCO đưa ra như tính xác thực và vẹn toàn; ý nghĩa khu vực; ý nghĩa về giới; có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị bền vững và khoa học.
“Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn” được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm ghi nhận những di sản tài liệu có giá trị, mang tầm quan trọng cấp quốc tế, khu vực và quốc gia; đồng thời hướng sự chú ý của thế giới tới việc gìn giữ các sưu tập tài liệu quý, hiếm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Với những giá trị quý hiếm và ý nghĩa lịch sử của Ma nhai Ngũ Hành Sơn, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiến hành việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn; trong đó chú trọng các giải pháp và phương án quản lý, bảo tồn bia Ma nhai Ngũ Hành Sơn mang tính lâu dài, bền vững kể cả phương án phục hồi di sản trong trường hợp bị thời tiết, thiên tai xâm hại.
Trưởng Ban Quản lý Danh thắng Ngũ Hành Sơn ông Nguyễn Văn Hiền cho biết chủ động bảo vệ các di tích, Ban Quản lý đã xây dựng các phương án quản lý, bảo vệ di tích Ngũ Hành Sơn nói chung và bia Ma nhai nói riêng như đặt bảng chỉ dẫn tham quan để ngăn du khách sờ vào bia đá, bố trí lực lượng túc trực nhắc nhở du khách, vệ sinh sạch sẽ khu vực bia Ma nhai, xử lý các thực vật gây hại, lắp đặt ánh sáng, đặt các pano giới thiệu nội dung bia Ma nhai.
Đồng thời, toàn bộ nội dung Ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn được dịch ra tiếng Việt và được xây dựng thành cơ sở dữ liệu để tra cứu, lưu giữ theo cách truyền thống và tra cứu trên Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Người dân, du khách đến tham quan các hang động ở danh thắng Ngũ Hành Sơn đều có thể trực tiếp thưởng ngoạn các Ma nhai này. Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện chia sẻ sau khi được công nhận di sản tư liệu, hệ thống Ma nhai tại Ngũ Hành Sơn sẽ được hỗ trợ hoạch định chính sách bảo tồn và phát huy giá trị các di sản và tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, học giả, công chúng tiếp cận với di sản tài liệu này theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời để tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để đề trình UNESCO công nhận danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản văn hóa thế giới.
Tết Quý Mão 2023, người dân và du khách thập phương lại tiếp tục đổ về Danh thắng Ngũ Hành Sơn để tham quan, chiêm ngưỡng các thắng cảnh đẹp và di sản Ma nhai độc đáo, vô cùng quý hiếm vừa được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ là niềm tự hào của người dân Việt Nam với bạn bè quốc tế./.
Theo TRẦN LÊ LÂM (TTXVN/Vietnam+)