Độc đáo nghệ thuật Chầm riêng Ch’pay

12/02/2021 - 00:57

 - Chầm riêng Ch’pay là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống, độc đáo, mang đậm nét bản sắc văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong tiếng Khmer, “Chầm riêng” có nghĩa là ca hát và “Ch’pay” là tên một loại đàn. Đàn Ch’pay là loại nhạc cụ độc đáo của đồng bào DTTS Khmer. Đàn Ch’pay có thùng đàn to, cần đàn được làm từ gỗ cứng dày, uốn cong ở phần ngọn và chạm trổ hoa văn rất đẹp. Đàn Ch’pay có thanh âm trầm ấm, phù hợp với những thể loại nhạc tự sự, tình cảm êm đềm, lắng đọng…

Chầm riêng Ch’pay là loại hình nghệ thuật trình diễn độc xướng hay ca kể chuyện với đàn Ch’pay đệm theo sau mỗi đoạn hát mà không có dàn nhạc và người phụ họa. Trong lúc diễn tấu, người biểu diễn vừa đàn từng đoạn nhạc, vừa tự hát từng câu theo một đề tài. Bài hát không chỉ là những tác phẩm đã soạn sẵn, mà còn do người biểu diễn Chầm riêng Ch’pay ngẫu hứng ứng tác nhanh tại chỗ. Vì vậy, người biểu diễn Chầm riêng Ch’pay ngoài việc có giọng tốt, biết đàn hay, còn phải có vốn kiến thức sâu rộng và có năng khiếu ứng tác mới có thể biểu diễn thành công. Nội dung lời hát Chầm riêng Ch’pay là những tích sử, thần thoại, câu chuyện ca ngợi lòng hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Ngoài ra, người biểu diễn phải thường xuyên cập nhật, phản ánh kịp thời những vấn đề về đời sống xã hội đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, như: quê hương, đất nước, nông thôn mới, tình yêu đôi lứa, chuyện sản xuất ở phum sóc, phòng chống dịch bệnh COVID-19...  Tùy tài nghệ riêng của từng người biểu diễn mà những khúc nhạc, lời ca luyến láy, giọng điệu trầm bổng khác nhau tạo nên sắc thái độc đáo riêng, đây chính là nét độc đáo nhất của loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống này.

Ông Chau Hunh biểu diễn Chầm riêng Ch’pay

Không gian biểu diễn Chầm riêng Ch’pay ở mỗi địa phương, phum, sóc cũng khác nhau và đầy ngẫu hứng không bị lệ thuộc vào bất cứ quy định nào. Có thể biểu diễn ở sân chùa, ở đám tiệc cưới hỏi hay ở ngay tại nhà phục vụ từ vài người cho đến hàng trăm người. Không rộn ràng, màu sắc cũng không quá cầu kỳ, phức tạp trong trình diễn như một số loại hình nghệ thuật khác nhưng hình ảnh người biểu diễn Chầm riêng Ch’pay đã ăn sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ đồng bào DTTS Khmer Nam Bộ. Trước đây, hầu như mỗi phum sóc đều có người biết biểu diễn Chầm riêng Ch’pay. Tuy nhiên, trong thời đại phát triển hiện nay làm cho âm nhạc dân gian cũng như các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc truyền thống ngày càng mờ nhạt và có nhiều nguy cơ mai một, Chầm riêng Ch’pay cũng không ngoại lệ. Vì vậy hiện nay, số người biết biểu diễn Chầm riêng Ch’pay trong đồng bào DTTS Khmer Nam Bộ còn lại không nhiều.

Biểu diễn Chầm riêng Ch’pay tại các lễ hội văn hóa

Ở An Giang, cố nghệ nhân Chau Nưng (xã Ô Lâm, Tri Tôn) được xem là cây đại thụ nổi tiếng khắp vùng Bảy Núi với tài biểu diễn Chầm riêng Ch’pay được nhiều giải thưởng cao tại các kỳ hội diễn khu vực và toàn quốc. Ông là người duy nhất của tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú về loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian Chầm riêng Ch’pay. Hiện nay, người kế tục sự nghiệp duy trì và truyền dạy nghệ thuật Chầm riêng Ch’pay từ cố nghệ nhân Chau Nưng là ông Chau Hunh (68 tuổi , xã Ô Lâm). Ông Chau Hunh được đồng bào DTTS Khmer xã Ô Lâm tôn vinh là nghệ nhân Chầm riêng Ch’pay của địa phương. Ông Chau Hunh cho biết, ông đam mê và theo học nghệ thuật trình diễn Chầm riêng Ch’pay của thầy Chau Nưng từ năm 18 tuổi. Từ đó, ông đã đi giao lưu nhiều nơi, hát làm phước, phục vụ các ngày lễ, Tết, đám tiệc của chùa và các gia đình trong phum sóc cho đến nay. Theo ông Chau Hunh, Chầm riêng Ch’pay đây là một loại hình nghệ thuật rất khó, ngoài năng khiếu thì phải có sự đam mê, kiên trì cũng như chịu khó tìm tòi, học hỏi về đặc điểm và các điệu thức của loại hình độc đáo này. Để biểu diễn thành công Chầm riêng Ch’pay phải có sự kết hợp nhịp nhàng giữa đàn và hát. Song song đó, người biểu diễn phải am hiểu kiến thức xã hội và có tài ngẫu hứng ứng tác ngay tại nơi biểu diễn. Trải lòng về thế hệ tiếp nối của nghệ thuật Chầm riêng Ch’pay, ông Chau Hunh chia sẻ: “Ước mơ của tôi là làm sao có thể đem hết khả năng truyền đạt kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ lưỡng kiến thức về nghệ thuật Chầm riêng Ch’pay mà tôi biết để lưu truyền lại loại hình nghệ thuật quý giá, độc đáo đã có hàng trăm năm tuổi của dân tộc cho con cháu đời sau”.

Phó Chủ tịch UBND xã Ô Lâm Nguyễn Xuân Tiến cho biết, những năm qua, địa phương phối hợp các cấp, ngành mở lớp dạy nghệ thuật Chầm riêng Ch’pay cho người dân yêu thích. Qua đó, các học viên đã hoàn thành xuất sắc khóa học và tham gia biểu diễn tại các hội thi, hội diễn văn nghệ trong và ngoài địa phương. Sắp tới, địa phương sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện duy trì, phát triển và quảng bá nghệ thuật Chầm riêng Ch’pay của đồng bào DTTS Khmer để mọi người biết đến nhiều hơn.

TRỌNG TÍN