Ở An Giang, đình Châu Phú (TP. Châu Đốc) có kiến trúc sắc sảo, cổ kính nhất. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Đình Châu Phú do Thoại Ngọc Hầu dựng lên vào thời gian 1820-1828”. đình Châu Phú trải qua nhiều lần trùng tu từ vật liệu có sẵn, lợp lá đơn sơ đến cột gỗ căm xe, vách ván, nền lót gạch tàu. Năm 1926, đình Châu Phú xây cất lại hoàn chỉnh và khang trang cho đến hôm nay. Các hiện vật còn lưu giữ lại tại đình có sắc chỉ, sắc phong của vua Minh Mạng, vua Tự Đức phong tặng Nguyễn Hữu Cảnh là Thượng đẳng Tôn thần Lễ Thành Hầu. Năm 1988, Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận đình Châu Phú là ngôi đình có kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Đình Đa Phước (xã Đa Phước, huyện An Phú) được cư dân dựng lên vào năm 1832. Ban đầu, đình được cất bằng vật liệu nhẹ, cây lá đơn sơ, đến năm 1908 được nhân dân trùng tu, xây cất lại bằng cột gỗ tròn căm xe, vách tường xây gạch tô hồ với ô dước, mái đình uốn cong lợp ngói đại ống như ngày nay. Kiến trúc đình được chia thành 3 gian, 2 chái. Nội thất ngôi đình với 17 bao lam, 28 liễn đối và 35 hoành phi được chạm khắc tinh vi, đạt tính nghệ thuật cao, với sự đa dạng về đề tài, như: Hoa lá, rồng mây, muông cầm, điểu thú, tứ linh, bát tiên, cá hóa long... chuyển tải ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, dân an vật thịnh và ca ngợi công đức tôn thần, tất cả đều được sơn son, thếp vàng đẹp đẽ, tinh tế. Tôn thần được thờ ở đình là Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có công bảo vệ và khai mở vùng đất Nam Bộ nói chung và An Giang nói riêng. Đình Đa Phước được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng theo Quyết định 05/1999/QĐ-BVHTT là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Đình Bình Mỹ
Nằm cạnh Quốc lộ 91, với lối kiến trúc cổ xưa thời Nguyễn, đình Bình Mỹ (huyện Châu Phú) được xây dựng vào năm 1890, đến năm 1928 đình được trùng tu hoàn chỉnh và gìn giữ đến ngày nay. Đình có lối kiến trúc cổ, gồm đủ 3 phần: Vỏ ca, vỏ quy và chánh điện, mái tam cấp, lợp ngói âm dương. Nền đình là điểm tựa cho bộ cột tròn căm xe gồm 40 cây, được chia thành 4 hàng cột dọc kết hợp 2 mảng vách hông tạo nên 3 gian, 2 chái. Ngôi đình gồm 4 bộ nóc chính và 6 bộ nóc phụ. Tất cả được tô điểm bằng các bộ tượng hình khối, phù điêu hoa văn trang trí tạo thành khối kiến trúc giữa không gian bao la, rộng lớn. Kỹ thuật chế tác và nghệ thuật chạm trổ tinh xảo thể hiện rõ trong kết cấu kiến trúc, cấu kiện các loại chất liệu.
Việc bố trí sắp xếp các nghi thờ luôn tuân theo trật tự thứ bậc của chức sắc xã hội phong kiến thời Nguyễn. Vị trí trung tâm, nơi được trang trí đẹp nhất, trang nghiêm là ngôi thờ Thành hoàng Bổn cảnh được vua Khải Định ban sắc phong thần ngày 25/7/1924, thờ vọng Nguyễn Hữu Cảnh. Năm 2014, đình Bình Mỹ được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích quốc gia.
Tại TP. Long Xuyên, có một ngôi đình là di tích độc đáo, hiếm có của An Giang thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật độc đáo tiêu biểu của thời Nguyễn, mang dấu ấn lịch sử của thời kỳ khai mở đất vùng Nam Bộ. Đình Mỹ Phước được xây dựng vào thế kỷ XIX bằng cây lá đơn sơ. Khoảng năm 1889, đình được các hương chức trong làng trùng tu bằng hồ vôi ô dước, vách tường vôi. Đến năm 1903, ngôi đình được tu bổ rộng đẹp như hôm nay. Đình có 4 bộ nóc, 2 bên là cây cổ thụ trăm năm vươn cao tỏa đầy bóng mát. Trên mỗi đỉnh nóc đều có đắp nổi nhiều tượng, chất liệu hỗ vôi, dát mảnh gốm sứ màu, hợp thành từng bộ theo các thể loại, để tài rồng, tiên, cá hóa long, dơi rất đa dạng.
Đình còn gìn giữ một sắc phong của vua Tự Đức đệ ngũ niên ngày 29/11/1852. Đình Mỹ Phước được vua Tự Đức sắc phong Thần Thành hoàng Bổn Cảnh và thờ vọng Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh - người có công lớn trong buổi đầu mở mang vùng đất phía Nam. Ngày 26/6/1995, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận xếp hạng đình Mỹ Phước là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Dù được xây dựng vào thời điểm nào, có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc ra sao nhưng những ngôi đình cổ ở An Giang luôn là nơi lưu giữ văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng vô cùng quan trọng trong đời sống người dân, là kho tàng chứa đựng tinh hoa văn hóa, nơi quy tụ, gắn kết cộng đồng. Vì vậy, việc gìn giữ và bảo vệ những ngôi đình cổ chính là kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.
TRỌNG TÍN