Độc đáo sản phẩm khởi nghiệp

27/01/2023 - 03:47

 - Những ý tưởng sáng tạo kinh doanh mới là chìa khóa giúp người khởi nghiệp thành công. Nhiều ý tưởng đã lựa chọn khởi nghiệp bằng sản phẩm sạch thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe và gia tăng giá trị, bước đầu đạt hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho người lao động.

Sản phẩm nấm mối đen

"Nấm mối nàng Nương"

Nấm mối đen là sản phẩm quý, có giá trị cao trên thị trường. Với tâm huyết mang thực phẩm sạch tới người tiêu dùng, chị Châu Thị Nương (ngụ xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) tận dụng phụ phẩm rơm rạ làm giá thể sản xuất phôi nấm mối đen cung cấp cho thị trường. Mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho hơn 50 phụ nữ ở nông thôn với mức thu nhập gần 8 triệu đồng/tháng/người.

Chị Nương chia sẻ: “ĐBSCL có thế mạnh về trồng lúa nên lượng rơm thải sau thu hoạch rất lớn, khí hậu vùng Bảy Núi rất thích hợp cho việc trồng nấm. Với mong muốn mang thực phẩm sạch đến người tiêu dùng, tôi đã ấp ủ ý tưởng, tự nghiên cứu, học tập, sau đó đầu tư dây chuyền sản xuất phôi nấm mối đen hoàn chỉnh, từ sản xuất meo, có hệ thống lò hấp, chạy tơ trong phòng máy lạnh”.

Thử nghiệm thành công, có được lượng khách hàng lớn, chị Nương đã xây dựng thương hiệu sản phẩm “Nấm mối nàng Nương”. Cung cấp sản phẩm nấm mối tươi ra thị trường với giá 200.000 đồng/kg, chị còn cung cấp phôi nấm kết hợp chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho nông dân. Hiện, mỗi tháng trại nấm chị Nương cung ứng ra thị trường 30.000-50.000 phôi nấm.

Tham gia cuộc thi tìm kiếm sáng kiến sinh kế trong nông nghiệp do Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển nông thôn tổ chức, đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Tà Đảnh (huyện Tri Tôn) dự thi, chị Nương đoạt giải nhất, với mô hình “Tận dụng rơm rạ sản xuất phôi nấm mối đen”.

Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cơm cháy gạo lứt chà bông- Nguyệt My; gạo lứt tím - Ngọc My

“Nâng cao giá trị hạt gạo”

Đó là mô hình của chị Nguyễn Thị Cẩm Hồng (Hợp tác xã Nông Thuận Phát, huyện Chợ Mới) đoạt giải ba tại cuộc thi tìm kiếm sáng kiến sinh kế trong nông nghiệp. Chị Hồng cho biết: “Sáng kiến nâng cao giá trị hạt gạo bằng cách tư vấn cải tạo giống, áp dụng khoa học - công nghệ trong canh tác, sử dụng phân bón hữu cơ tạo hạt gạo ngon, sạch. Đa dạng hóa sản phẩm, tạo chuỗi liên kết cho người kinh doanh đến người tiêu dùng. Tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương, đặc biệt là cho người phụ nữ”.

Chị Hồng luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao giá trị hạt gạo. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, cùng niềm đam mê, chị đã nghiên cứu, tìm hiểu sản phẩm làm từ gạo. Đến nay, từ vùng nguyên liệu gạo lức tím và gạo lức đỏ, chị sản xuất ra nhiều sản phẩm cơm cháy (cơm cháy gạo lức, gạo lức sấy rong biển, thanh gạo lức, gạo lức ngũ cốc, trà gạo lức, bột gạo lức tím...) được thị trường ưa chuộng.  

“Năm 2022, sản phẩm cơm cháy gạo lức và gạo lức tím được UBND tỉnh An Giang công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, vừa là một vinh dự lớn, vừa là cơ hội để nâng cao sức cạnh tranh, quảng bá rộng rãi thương hiệu và kết nối mở rộng thị trường. Qua đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, đầu tư về công nghệ, nâng cao hiệu quả các sản phẩm” - chị Cẩm Hồng cho biết.

HẠNH CHÂU