Tết Nào Pê Chầu bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, là cơ sở để giữ gìn và phát triển nét văn hóa truyền thống, giáo dục cho các thế hệ con cháu luôn hướng về cội nguồn.
Tết Nào Pê Chầu tỉnh Điện Biên được duy trì tổ chức hàng năm theo lịch của người Mông, từ ngày 25/12 Âm lịch trở đi (theo cách tính lịch của người Mông). Những ngày này, không khí Tết vui tươi, nhộn nhịp tràn ngập khắp bản làng. Các gia đình bắt đầu mổ lợn, gà để làm lễ tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho dân bản có sức khỏe tốt, mùa màng bội thu và mọi điều may mắn trong năm qua.
Mâm cúng trong Tết Nào Pê Chầu phải có đủ các đồ lễ như lợn, trứng gà, hương, giấy dó, gà, bánh dày...
Ngày 29 Tết, các gia đình bắt đầu ngâm gạo nếp để đến sáng sớm ngày 30 sẽ đồ chín, giã bánh dày, loại bánh không thể thiếu trong mâm cúng nhân dịp Tết của người Mông.
Tết thường diễn ra từ 10 đến 15 ngày với các phần lễ và hội, phần lễ diễn ra từ chiều 30 Tết đến hết chiều mùng 3 Tết, các nghi lễ chủ yếu diễn ra tại các gia đình, trưởng dòng họ. Còn phần hội diễn ra tại sân của bản cho đến hết Tết.
Đến với Điện Biên những ngày Tết, du khách có thể tìm hiểu và khám phá những loại hình di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nhiều phong tục tập quán của đời sống xã hội, hòa mình với các trò chơi dân gian, nghệ thuật trình diễn, tạo nên bức tranh đa sắc màu về văn hóa vùng cao.
Hình ảnh tết cổ truyền 'Nào Pê Chầu':
Chủ nhà bắt đầu vào làm các nghi lễ quét dọn nhà, cầu mong năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, tiền lộc, của cải, gia đình khỏe mạnh và hạnh phúc.
Nghi lễ dâng cúng tại bàn thờ “Xử Ka”.
Sau khi cúng, gà được đem đi mổ, luộc chín và bày lên mâm cùng với một bát cơm, một bát canh, hai chén rượu.
Lễ cúng tất niên ngày 30 Tết của người Mông.
Nghi lễ cúng mời thần linh cai quản bản làng, tạ ơn các vị thần linh đã phù hộ cho gia đình và dân bản được khỏe mạnh, mùa màng được bội thu.
Sau nghi thức cúng lễ là lúc các chàng trai, cô gái bước vào những tiết mục văn nghệ, các trò chơi đánh cù, đánh cầu lông gà, ném pao...
Đây cũng là ngày hội đoàn kết, giúp cộng đồng cư dân gần nhau, hiểu nhau hơn, để chung sức xây dựng và phát triển bản làng.
Tết "Nào Pê Chầu” thường diễn ra từ 10 đến 15 ngày.
Tết “Nào Pê Chầu” là lễ hội đặc trưng tiêu biểu, thể hiện rõ nhất về bản sắc văn hóa của dân tộc Mông.
Theo LÊ PHÚ (Báo Tin Tức)