Độc đáo Tết Ngã rạ của đồng bào Cor ở Quảng Ngãi

19/11/2022 - 19:13

Vào cuối tháng 10 (âm lịch) hàng năm, sau khi thu hoạch lúa rẫy, người Cor ở xã Bình An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi lại họp lại và định ngày tổ chức Tết Ngã rạ để tạ ơn ông, bà tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho dân làng.

Phần thi giã gạo trong Tết Ngã rạ của đồng bào dân tộc Cor.

Tết Ngã rạ hay còn gọi là giã rạ, tiếng Cor là xa a-nít, tức ăn Tết hay lễ lúa lên chòi, với nhiều nét đặc trưng. Trong ngôi nhà sàn, các gia đình tụ họp lại, tổ chức ăn Tết theo khả năng của mình. “Tết Ngã rạ là cái Tết quan trọng của đồng bào Cor, được bà con tổ chức nhằm tạ ơn thần linh. Đối với đồng bào Cor thì đây là Tết chính, nằm trong hệ thống lễ hội mang đậm nét nguyên thủy mà người Cor còn lưu giữ được”, ông Trụ Thanh Hải, già làng uy tín thôn Thọ An, xã Bình An cho biết.

Để chuẩn bị Tết Ngã rạ, dân làng tổ chức đi lấy lúa thiêng trên rẫy về làm lễ cúng thần. Đây là nghi lễ đầu tiên của Tết Ngã rạ mà già làng là người đi lấy lúa thiêng. Mất độ hai, ba giờ, khi già làng về tới nhà sẽ đặt nắm lúa thiêng vừa lấy về lên bàn thờ, rồi ra ngoài hiên báo hiệu cho các gia đình khác trong bản tiếp tục tiến hành lên rẫy lấy lúa thiêng. 

Các lễ vật dâng lên cúng “thần lúa” ngoài các vật nuôi có sẵn trong nhà như lợn, gà, vịt..., trước đó cả tháng người dân đã tranh thủ làm bẫy bắt chim, thú, đặc biệt là những loài chuyên phá hoại cây lúa, phá hoại mùa màng như chuột, sóc để dành dâng cúng. 

Người dân đồng bào Cor đánh chiêng và múa trong Tết Ngã rạ. 

Trong Tết Ngã rạ, nghi thức cúng thần linh, ông bà tổ tiên là phần quan trọng nhất, được các già làng, người có uy tín am hiểu phong tục tập quán thực hiện. Già làng có mặt từ sớm để sửa soạn mâm lễ vật gồm trầu cau, rượu nước, heo, gà, bánh lá đót…với tất cả lòng thành kính, biết ơn.

Kết thúc phần lễ, già trẻ, trai gái người Cor trong trang phục truyền thống đắm chìm trong không gian rộn ràng của ngày hội Tết Ngã rạ. Tất cả quây quần bên cây nêu cao vút dựng giữa sân làng, cùng nhau nhảy múa, hòa nhịp cùng tiếng trống, tiếng chiêng rộn vang khắp núi rừng. Ngày cuối cùng của Tết Ngã rạ, đồng bào cùng nhau đi lao động trên nương, rẫy; ươm, tỉa những hạt giống đầu tiên trên đất mới, khởi đầu một năm với bao kỳ vọng về vụ mùa no đủ. 

Thôn Thọ An ở cách trung tâm xã Bình An khoảng 6 km nhưng lại nằm trên núi cao, có khoảng 80% là đồng bào dân tộc Cor, với nghề chính là làm nông nghiệp. Đời sống bà con nơi đây còn nhiều khó khăn.

Các cô gái dân tộc Cor với những chiếc bánh lá đót trong Tết Ngã rạ. 

“Nhằm giúp các thế hệ con, cháu của người Cor xã Bình An, huyện Bình Sơn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình, vào ngày 26/10 (âm lịch) hàng năm, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Bình An đều tổ chức Tết Ngã rạ cho đồng bào dân tộc nơi đây cách trang trọng và đầm ấm. Đây thật sự là ngày hội, ngày vui của đồng bào Cor tại địa phương và là ngày hội của cộng đồng các dân tộc xã Bình An”, ông Võ Thanh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình An cho hay.

Tết Ngã rạ của đồng bào Cor thật sự là nét văn hóa độc đáo trong nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Theo ĐINH HƯƠNG (TTXVN)