Về xã biên giới Giang Thành hôm nay, dễ dàng nhận thấy diện mạo mới đang hiện hữu nơi vùng đất từng là “vùng trũng” về cơ sở hạ tầng của tỉnh. Những con đường bê-tông trải dài thẳng tắp, hệ thống trường học, trạm y tế, chợ trung tâm được đầu tư xây dựng khang trang. Trên các tuyến kênh nội đồng, các công trình thủy lợi được kiên cố hóa, đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. Hệ thống điện lưới quốc gia, nước sạch bao phủ hầu hết các xóm, ấp, điều mà người dân nơi đây cách nay hơn 15 năm từng chỉ dám ước ao. Ông Trương Văn Bộ, ngụ ấp Cỏ Quen nhớ lại: “Hơn 15 năm trước, đường sá toàn là đường đất, nắng bụi, mưa bùn lầy. Phương tiện đi lại chủ yếu là xe máy, xe đạp hoặc ghe, vỏ lãi. Vào mùa nước lớn, việc đến trung tâm xã phải mất cả buổi. Giờ đây, đường được xây dựng tới từng xóm, ấp, đi lại và giao thương thuận tiện hơn”.
Sự đổi thay trên là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương cùng với nguồn lực đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xã Giang Thành đã tập trung triển khai hiệu quả và ưu tiên hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu. Đến nay, có hơn 17 công trình giao thông nông thôn được xây dựng mới và nâng cấp, tổng vốn đầu tư hơn 20,9 tỷ đồng. Nhờ vậy, trên 95% tuyến đường trong xã đã được bê-tông hóa, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn, nhất là vào mùa mưa. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước hợp vệ sinh đạt trên 98%. Nhiều hộ đồng bào Khmer trước đây sinh sống biệt lập giờ đã có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, đời sống từng bước được nâng lên.

Đồng bào dân tộc trên địa bàn phường Hà Tiên được khám bệnh, phát thuốc miễn phí
Chủ tịch UBND xã Giang Thành Tạ Hiệp cho biết: “Mục tiêu lớn nhất của xã là nâng cao chất lượng sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, xã đã chủ động rà soát, ưu tiên đầu tư các công trình thiết yếu, vừa phục vụ dân sinh, vừa tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững”.
Rời vùng biên giới Giang Thành, chúng tôi tìm đến ấp Cạn Vàm, xã Vĩnh Hòa để thăm gia đình bà Thị Hai (92 tuổi), một trong những hộ vừa được hỗ trợ xây dựng nhà ở từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bà Hai đón tiếp chúng tôi bằng nụ cười hiền từ, ánh mắt rưng rưng xúc động. Nhiều năm liền, bà sống trong căn nhà lá xiêu vẹo, mưa tạt, gió lùa, nguồn thu nhập chính là sự hỗ trợ từ người con trai đi làm thuê. Thấu hiểu hoàn cảnh neo đơn, khó khăn của bà Hai, UBND xã Vĩnh Hòa đã bố trí kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ xây dựng nhà. Căn nhà có diện tích 36m2, tổng kinh phí xây dựng 75 triệu đồng, được thiết kế kiên cố, đảm bảo an toàn và phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người cao tuổi.
Tại lễ bàn giao nhà cho bà Hai, Sở Dân tộc và Tôn giáo tặng thêm các phần quà gồm gạo, nhu yếu phẩm và dụng cụ sinh hoạt, tổng trị giá hơn 3 triệu đồng. Món quà tuy không lớn nhưng đủ để làm ấm lòng một cụ bà đã trải qua gần cả đời người trong khó khăn, chật vật. Ngồi trong căn nhà mới, bà Hai chia sẻ: “Giờ lớn tuổi rồi, được sống trong căn nhà kiên cố như vậy, tôi vui mừng lắm. Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước đã giúp ước mơ lâu nay của tôi thành sự thật”.
Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Danh Phúc cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã được phân bổ tổng kinh phí hơn 658 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển khu vực có đông đồng bào Khmer sinh sống. Chương trình tập trung các nhóm nội dung then chốt, như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi sinh kế, tạo sinh kế bền vững; hỗ trợ đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Gia đình bà Thị Sơn, ngụ xã Giồng Riềng thu nhập mỗi năm trên 400 triệu đồng từ nghề nuôi heo
Nhờ được quan tâm đầu tư, đến nay kết cấu hạ tầng tại các xã vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống giao thông nông thôn được cải thiện rõ rệt, điện lưới quốc gia phủ khắp. Hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất và sinh hoạt dần hoàn chỉnh. “Chương trình đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo niềm tin vững chắc trong đồng bào Khmer đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Qua đó, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số” - Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Danh Phúc nhấn mạnh.
DANH THÀNH