Một thời tang chung
Thị trấn Ba Chúc thuộc vùng Bảy Núi, cách biên giới Việt Nam - Campuchia 7km. Nơi đây là cái nôi của Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống. Ngoài ra, Ba Chúc là địa phương có truyền thống cách mạng qua 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau ngày 30/4/1975, cùng với cả nước, nhân dân Ba Chúc bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên, niềm vui độc lập của người dân không tồn tại được lâu. Tròn 2 năm sau, khi cả nước đang hân hoan kỷ niệm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, bọn Pol Pot tiến hành xua quân đánh vào các xã tiếp giáp biên giới Việt Nam - Campuchia trên địa bàn tỉnh An Giang, chính thức gây chiến tranh biên giới Tây Nam. Cuộc chiến làm thiệt hại nặng nề về người và của trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó, Ba Chúc là một trong 15 xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Sau 30 lần tấn công rời rạc, nã pháo rồi rút về biên giới, đến ngày 18/4/1978, bọn Pol Pot xua quân vào Ba Chúc, bắt đầu những ngày Ba Chúc ngập chìm trong biển lửa, máu và nước mắt. Từ ngày 18 đến 29/4/1978, chúng nhẫn tâm sát hại hàng nghìn người dân vô tội. Trong đó, có những nạn nhân mà toàn bộ gia đình, thân tộc không còn một ai sống sót.
Chùa Tam Bửu
Đi đến đâu, chúng thi hành mệnh lệnh “4 sạch” đến đó: Giết sạch, đốt sạch, phá sạch, cướp sạch. Tất cả công trình trường học, nhà dân, kể cả chùa, miếu đều bị đốt phá, hủy hoại; 3.157 người dân Ba Chúc bị giết hại bằng nhiều hình thức man rợ hơn cả thời trung cổ. Đầu năm 1979, cùng với các tỉnh Tây Nam, quân và dân An Giang đã đánh bật bọn Pol Pot ra khỏi biên giới, chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh lấn chiếm biên giới, trả lại bình yên cho vùng đất này.
Cũng trong năm 1979, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, huyện và vận động xã hội hóa, địa phương khởi công xây dựng Khu di tích nhà mồ Ba Chúc, chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai thành quần thể di tích. Năm 2013, tỉnh khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc mới trên diện tích 5ha, nằm giữa chùa Tam Bửu - Phi Lai, nơi nhân dân Ba Chúc bị thảm sát. Hàng năm, vào ngày 16/3 âm lịch, Đảng bộ, chính quyền huyện Tri Tôn và thị trấn Ba Chúc phối hợp Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa tổ chức trang trọng lễ giỗ tập thể cho 3.157 người dân bị thảm sát.
Thay da đổi thịt
Biến đau thương thành động lực, người dân Ba Chúc ra sức xây dựng quê hương từ đổ nát, điêu tàn. Mặt khác, chính quyền các cấp quan tâm đầu tư, xây dựng lại cơ sở hạ tầng, phát động bà con khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống. Phấn khởi hơn, tháng 11/2003, Ba Chúc trở thành một trong 2 thị trấn của huyện Tri Tôn.
Đến thăm thị trấn Ba Chúc hôm nay, nhiều người không khỏi bất ngờ về tốc độ đô thị hóa, sự thay da đổi thịt của vùng đất đã từng đi qua đau thương. Các khu du lịch, cơ sở lưu trú từng bước được đầu tư xây dựng. Trường lớp được xây dựng khang trang, công trình điện nước sinh hoạt, cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng hoàn thiện.
Ngoài ra, các công trình của Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng được quan tâm sửa chữa, nâng cấp, xây mới, như: Chánh điện, hội trường, nhà làm việc Phật hội, nhà mộc hương, nhà khối (nhà bếp), cột phướn, hàng rào tổng thể... Đây là nơi lưu giữ tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến sự kiện thảm sát.
Từ đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ sau về truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc; khẳng định giá trị nhân văn, tính chính nghĩa và nghĩa vụ quốc tế cao cả của quân tình nguyện Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng.
Hiện nay, Khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia nhà mồ Ba Chúc, chùa Phi Lai và chùa Tam Bửu thu hút hàng ngàn lượt du khách đến tham quan mỗi năm.
Toàn huyện Tri Tôn có 12 di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia và 5 di tích cấp tỉnh. Riêng thị trấn Ba Chúc có 3 di tích cấp quốc gia là Nhà mồ Ba Chúc, chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai (được xếp hạng theo Quyết định 92/VH-QĐ, ngày 10/7/1980 của Bộ Văn hóa Thông tin)
|
MINH ĐỨC