Đổi thay ở trung tâm huyện Tri Tôn

14/11/2018 - 05:28

 - Đường sá thông thoáng, cây xanh phủ bóng dọc các tuyến đường chính, hoạt động kinh doanh đi vào nền nếp, tình hình tội phạm giảm… là những kết quả nổi bật sau thời gian thị trấn Tri Tôn (Tri Tôn) quyết tâm xây dựng văn minh đô thị. Bên cạnh nỗ lực của địa phương, còn có sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp.

Tháo “điểm nghẽn” chợ cá

Trước đây, đối với cánh tài xế xe khách, xe tải nặng, mỗi khi di chuyển qua thị trấn Tri Tôn thường bị “ám ảnh” bởi khu vực thủy, hải sản tươi sống của chợ Tri Tôn.

Theo quy định, các phương tiện này không được lưu thông vào trung tâm huyện Tri Tôn mà phải đi theo tuyến đường 3-2. Tuy nhiên, ở cuối đường 3-2, đoạn gần tiếp giáp với tuyến đường cửa ngõ nối Long Xuyên vào Tri Tôn, lại có chợ cá hoạt động nhộn nhịp.

Tại đây, người bán bày đủ thứ cá, tôm, ốc, sò, cua… lấn ra cả lòng đường, người mua thì dừng xe máy ngay tại quầy hàng nên thường xuyên gây tắc nghẽn giao thông. Nước bẩn từ hoạt động mua, bán tuôn ra đường, gây ẩm thấp và mùi hôi khó chịu. Các loại xe tải, xe khách muốn qua được chợ cá phải nhích từng chút một.

Thị trấn Tri Tôn quyết tâm thực hiện văn minh đô thị

Trong kế hoạch chỉnh trang, xây dựng văn minh đô thị, việc giải quyết “điểm nghẽn” chợ cá là ưu tiên hàng đầu của Đảng bộ và chính quyền thị trấn Tri Tôn. Đây là vấn đề bức xúc của người dân.

Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn Tri Tôn Nguyễn Thành Tâm cho biết, địa phương đã tham mưu UBND huyện Tri Tôn sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh mở rộng đoạn chợ cá thêm 2m, làm vỉa hè 2m. Đồng thời, sắp xếp các hộ mua, bán có trật tự, không lấn chiếm lòng đường nên hiện nay không còn tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

“Sắp tới, địa phương sẽ giải phóng chợ cá hiện hữu, di dời về chợ Tri Tôn mới (thuộc Khu thương mại hướng Đông thị trấn Tri Tôn). Riêng các mặt hàng thịt, ăn uống và tạp hóa, tạm thời vẫn kinh doanh như cũ. Theo kế hoạch, chợ Tri Tôn hiện hữu sẽ được kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây mới” - ông Tâm chia sẻ.

Phát triển xứng tầm

Tương tự như chợ cá, khu vực chợ đêm (bên hông Nhà thiếu nhi Tri Tôn) từng là nỗi bức xúc của người dân. “Nói là chợ đêm nhưng nhiều hộ kinh doanh kéo dài đến cả ban ngày. Nhiều người ghé nhậu khuya ồn ào, tiểu bậy gây mùi hôi khó chịu. Lều bạt che suốt ngày đêm, không thấy dẹp, nhếch nhác lắm” - một người dân sống gần khu vực chợ đêm nhớ lại.

Ông Nguyễn Thành Tâm cho biết, trước thực trạng này, địa phương đã phối hợp các ngành liên quan mời đơn vị trúng thầu chợ đêm và các hộ mua, bán trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn để thống nhất thời gian hoạt động và chấn chỉnh lại tình hình mua, bán.

“Sau khi cam kết, hơn 60 hộ thực hiện bán đúng giờ quy định (từ 4 giờ chiều đến 10 giờ đêm), sau đó dẹp trống, không để tình trạng mái che kiên cố, bán suốt ngày, đêm, ảnh hưởng đến trật tự đô thị và ô nhiễm môi trường” - ông Tâm thông tin.

Chưa đầy 3 tháng triển khai kế hoạch chỉnh trang đô thị của UBND thị trấn, bộ mặt trung tâm huyện Tri Tôn đã có nhiều thay đổi tích cực. Dọc các tuyến đường trọng điểm, các khu vực cửa ngõ vào trung tâm huyện, có 51 camera an ninh đã được lắp đặt.

Nhờ hệ thống này, Công an thị trấn Tri Tôn đã phát hiện 4 vụ, bắt 6 đối tượng trộm cắp tài sản, hỗ trợ làm rõ 6 vụ va chạm giao thông… Trong tổng kinh phí lắp đặt camera 346 triệu đồng, có 240 triệu đồng từ nguồn vận động xã hội hóa (còn lại là ngân sách hỗ trợ).

Đối với 3 tuyến đường chính là Trần Hưng Đạo, 3-2, tuyến đi Vàm Rầy (Nguyễn Thị Minh Khai - Nam Kỳ Khởi Nghĩa), đều được trồng mới cây xanh tạo bóng mát (trước đây chưa có).

“UBND thị trấn đã thành lập tổ chuyên hỗ trợ xử lý những hộ có hành vi cất nhà mé sông, xây dựng nhà trái phép, các công trình lấn chiếm hành lang lộ giới… Nhờ vậy, các hành vi vi phạm giảm rõ rệt” - ông Tâm chia sẻ.

Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn Tri Tôn Nguyễn Thành Tâm cho biết, mong muốn của địa phương là huyện, tỉnh sớm có phương án giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư vào quỹ đất công khá rộng cặp kênh Tám Ngàn (khu vực dưới dốc cầu Cây Me).

“Đây là vị trí rất thuận lợi quy hoạch chợ đêm kết hợp du lịch” - ông Tâm gợi ý. Bên cạnh đó, cần có cơ chế kêu gọi nhà đầu tư san lấp đoạn kênh từ cầu 16 đến cua 3-2 (hiện nay nước không lưu thông, ô nhiễm nặng). “Diện tích san lấp được, vừa dùng để mở rộng tuyến cửa ngõ vào trung tâm huyện Tri Tôn, vừa cho phép nhà đầu tư dùng một phần để phân lô bán nền” - ông Tâm đề xuất.

“Đảng bộ đã thống nhất năm 2019 sẽ đăng ký phấn đấu đạt chuẩn văn minh đô thị. Đồng thời, phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại 4 vào năm 2020. Địa phương sẽ huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ gắn với công tác chỉnh trang đô thị, bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất, cụ thể nhất” - ông Nguyễn Thành Tâm khẳng định

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN