Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Thạnh Tô Văn Hùng cho biết, Hòa Bình Thạnh là xã còn nhiều khó khăn, chưa thể sánh ngang với các địa phương khác. Ý thức được điều đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã nỗ lực không ngừng trong công cuộc xây dựng quê hương. Tuy vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng tình hình KTXH của xã đạt được nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá, thủy lợi cơ bản hoàn thiện, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, sản xuất nông nghiệp của người dân. Hầu hết các tuyến đường chính quanh xã được bê-tông, láng nhựa thông thoáng, sạch sẽ. Hai bên lề đường được người dân trồng hàng rào cây xanh thẳng tắp, phía trên các cột điện được lắp bóng đèn thắp sáng vào ban đêm. Các công trình trường học, trạm y tế được quan tâm đầu tư, nâng cấp, sửa chữa… tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập, khám, chữa bệnh của nhân dân.

Khánh thành cầu nông thôn
Xã Hòa Bình Thạnh hiện có 168 hộ dân tộc thiểu số Khmer (14 hộ nghèo, 24 hộ cận nghèo). Bên cạnh thực hiện tốt các chính sách dân tộc, địa phương quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn vay ưu đãi. Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, khấm khá nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để chăn nuôi, mua bán. Điển hình, gia đình ông Mai Dinh (ngụ ấp Hòa Tân) “ăn nên, làm ra” nhờ nuôi heo thịt và giống. Hiện nay, gia đình ông sở hữu 23 con heo thịt và 2 con heo nái. Ông Mai Dinh dự định, Tết này bán khoảng 10 con heo thịt, thu về trên 50 triệu đồng, trừ chi phí và tính luôn chi phí heo giống 1,2 triệu đồng/con, gia đình ông lãi gần 20 triệu đồng. Ông Mai Dinh bộc bạch: “Nhờ chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ vay vốn làm ăn và dạy nghề, giới thiệu việc làm nên đời sống bà con cải thiện hơn trước. Gia đình tôi được hỗ trợ vốn để nuôi heo. Nhờ nuôi heo gia đình tôi thoát nghèo, có tiền cất căn nhà vững chắc và lo cho tụi nhỏ ăn học”.
Là địa phương thuần nông nên xã Hòa Bình Thạnh tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đồng thời, khuyến khích nông dân ứng dụng rộng rãi khoa học - kỹ thuật (KHKT). Nhiều hộ nông dân thoát nghèo và khá lên từ các mô hình sản xuất hiệu quả, như: trồng cây ăn trái, rau an toàn, xen canh lúa - sen, chăn nuôi… Chị Nguyễn Thị Tiếng (ngụ ấp Hòa Tân) cho biết, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, người dân mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Hiện tại, với việc đầu tư 4 nhà trồng nấm rơm, với diện tích từ 18-24m2, gia đình chị thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/tháng. “Ngày nay, việc áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp tương đối dễ dàng. Ngoài kinh nghiệm của bản thân, người dân có thể cập nhật thêm kiến thức từ các buổi hội thảo, tập huấn hay tìm hiểu trên internet…”- chị Tiếng chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Tiếng thu hoạch nấm rơm
Khi kinh tế ổn định, đời sống được cải thiện, người dân trong xã tích cực đóng góp xây dựng quê hương và chăm lo người nghèo. Các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, hoạt động xã hội - từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo người nghèo được địa phương quan tâm thực hiện, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần cải thiện cuộc sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo và thúc đẩy KTXH phát triển. Đến nay, xã đã đạt 13/19 tiêu chí với 41/49 chỉ tiêu; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 4,76% (161 hộ).
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Thạnh Tô Văn Hùng nhấn mạnh, phát huy những kết quả đạt được, xã tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển KTXH, xây dựng nông thôn mới. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường ứng dụng KHKT vào sản xuất. Thực hiện tốt huy động sức dân tham gia các hoạt động an sinh - xã hội, chăm lo người nghèo. Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đặc biệt, thực hiện tốt các chế độ chính sách, hỗ trợ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số Khmer trên địa bàn xã phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo…
Bài, ảnh: TRUNG HIẾU