Xã Ô Lâm hướng đến phát triển du lịch xanh
Bộ mặt phum, sóc thay đổi
Về xã Ô Lâm những ngày này để cảm nhận sự thay đổi của một địa phương từng nghèo nhất huyện Tri Tôn. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ô Lâm Lộ Vinh Huy chia sẻ: “Xã Ô Lâm hiện có hơn 12.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS Khmer chiếm gần 98%. Trước năm 2017, Ô Lâm là xã nghèo của huyện Tri Tôn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 33,6%. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 27,5%. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm thêm 7%, còn 20,5%.
Ngoài ra, mức sống người dân ngày càng được nâng cao. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 32,4 triệu đồng/năm. Đến cuối năm 2018, tăng lên 40,2 triệu đồng/năm. Có được thành quả trên là sự quyết tâm, chung tay của cả hệ thống chính trị cùng với sự nỗ lực của người dân địa phương”.
Xác định phát triển hạ tầng là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Ô Lâm đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với số tiền trên 31,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống giao thông nông thôn. Nhờ vậy mà 85% đường giao thông liên ấp, liên xã đều được bê-tông, láng nhựa.
Ngoài ra, địa phương còn lồng ghép nguồn vốn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đi lại của người dân...
Tiêu biểu, năm 2019, xã đã vận động nguồn xã hội hóa trên 3 tỷ đồng để xây dựng 3 cây cầu bê-tông; sửa chữa, nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến giao thông trong xã phục vụ nhu cầu đi lại cho bà con nhân dân.
Cũng từ khi hệ thống giao thông được nâng cấp và đưa vào sử dụng, việc vận chuyển hàng hóa, nông sản của bà con thuận lợi hơn trước. Người dân yên tâm lao động sản xuất, cuộc sống dần dần được nâng cao.
Đặc biệt, địa phương thực hiện đồng bộ những chủ trương, chính sách hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao mức sống người dân.
Thể hiện rõ ở việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đối với vùng đất sản xuất kém hiệu quả. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được địa phương quan tâm thực hiện.
Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 1.800 lao động làm việc cho các công ty, xí nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, mỗi năm đóng góp cho địa phương khoảng 140 tỷ đồng.
Bên cạnh việc được nhận các chính sách hỗ trợ, thì ý thức của đồng bào DTTS trong việc tham gia vào quá trình lao động sản xuất có nhiều thay đổi và được nâng lên. bản thân của mỗi người dân đã không còn trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước, mà đã cố gắng tham gia lao động, sản xuất. Họ đã ý thức hơn về phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa.
“Những ngày này, tới các vùng có đồng bào DTTS Khmer sinh sống, dễ dàng nhận thấy sự đổi thay ở khắp phum, sóc. Những con đường rộng rãi, sạch sẽ được bê-tông, láng nhựa thẳng tắp giúp người dân đi lại dễ dàng; những ngôi nhà dột nát, xiêu vẹo được thay dần bằng những căn nhà kiên cố, khang trang… tạo nên diện mạo nông thôn mới”- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ô Lâm Lộ Vinh Huy phấn khởi.
Giá trị tinh thần được nâng cao
Những năm qua, ngoài việc vận dụng các nguồn lực hiện có để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trong xã được quan tâm thực hiện. Một số ngành nghề truyền thống của địa phương đang dần phục hồi và phát triển như: nghề nấu đường thốt nốt, làm bánh kà-tum, nghề làm cốm dẹp… Bên cạnh đó, các công trình văn hóa được chỉnh trang, nâng cấp; các khu vui chơi được xây dựng nhằm tạo sân chơi an toàn, lành mạnh cho thiếu nhi.
Việc tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước được quan tâm thực hiện thường xuyên. Nhờ vậy tình hình an ninh trật tự được đảm bảo; niềm tin của đồng bào DTTS vào đường lối của Đảng và nhà nước ngày càng được củng cố, khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh được giữ vững.
Tuy có bước phát triển thời gian qua, nhưng đời sống của một số hộ đồng bào DTTS Khmer còn gặp nhiều khó khăn. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ô Lâm Lộ Vinh Huy cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ khai thác tối đa những thế mạnh của địa phương về con người và đất đai để thu nhập và mức sống của người dân xã Ô Lâm ngày càng được nâng lên.
ĐỨC TOÀN