Các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này mở ra triển vọng lớn để nền kinh tế Việt Nam hút nguồn vốn chất lượng.
“Đại bàng” chuyển dịch
Nửa đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam đón nhiều tín hiệu tích cực từ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khi hàng loạt doanh nghiệp quốc tế lên kế hoạch rót vốn, mở rộng quy mô tại Việt Nam.
Mới đây nhất, Tập đoàn Procter & Gamble (P&G) cho biết sẽ tiếp tục đầu tư thêm gần 100 triệu USD mở rộng dây chuyền sản xuất tại nhà máy Bến Cát (Bình Dương). Tổng vốn đầu tư của P&G tại Việt Nam sẽ tăng từ 300 triệu USD lên 400 triệu USD, đưa Việt Nam trở thành cứ điểm đầu tư quan trọng, hiện đại trong chuỗi sản xuất của tập đoàn trên toàn thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài tại cuộc đối thoại ngày 22/6/2023.
Tập đoàn Polaris cũng quyết định mở rộng nhà máy thứ hai trong lĩnh vực lắp ráp động cơ xe máy, ô tô, phương tiện giao thông tại Khu công nghiệp Bá Thiện 2 (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), với số vốn đầu tư 30 triệu USD. Polaris nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn của Mỹ, với 19 nhà máy sản xuất trên toàn thế giới.
Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư đến từ Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng cam kết sẽ đầu tư mới và mở rộng đầu tư trong năm nay, với tổng vốn lên tới 3,7 tỷ USD.
Trước đó, vào cuối tháng 3, phái đoàn doanh nghiệp Mỹ hùng hậu, lớn nhất từ trước đến nay sang Việt Nam tìm hiểu môi trường kinh doanh. 50 doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ, gồm những cái tên đình đám như: Boeing, SpaceX, Netflix, Pfizer, Abbott, Citibank, Meta, Amazon…Những tên tuổi đang kinh doanh hoặc sản xuất tại Việt Nam như: Apple, Coca-Cola, PepsiCo cũng hướng tới kế hoạch mở rộng hơn nữa.
Việt Nam đang là nơi hội tụ của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, ngày càng trở thành một trong những trung tâm của chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Còn nhớ, sau khi cân nhắc gần 10 quốc gia tại Đông Nam Á, Tập đoàn sản xuất đồ chơi LEGO (Đan Mạch) đã chọn Việt Nam để xây dựng nhà máy thứ 6 trên toàn cầu, với giá trị đầu tư hơn 1,3 tỷ USD. Hay Tập đoàn Foxconn, một doanh nghiệp lớn trong chuỗi sản xuất, cung ứng của Apple, liên tiếp chuyển dịch, mở rộng đầu tư sang Việt Nam.
Tại Hội thảo Cộng hưởng sức mạnh đầu tư, vì một Việt Nam thịnh vượng, ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam - cho biết, các doanh nghiệp công nghệ trên toàn thế giới đang dõi theo Việt Nam hàng ngày để tìm hiểu biến động về chính sách, môi trường kinh doanh đầu tư.
Trước đó, ông Ted Osius - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) - nhấn mạnh, rất nhiều doanh nghiệp Mỹ bất ngờ trước sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp châu Âu quyết định xây dựng cứ điểm sản xuất tại Việt Nam.
“Trước đây, nhiều công ty chưa tiếp xúc với Việt Nam, nhưng bây giờ nhu cầu đó rất cao. Mức tăng trưởng 8% của các bạn được rất nhiều công ty quan tâm. Đại diện của các nước ASEAN khác nói họ phải nhanh lên vì phải cạnh tranh với Việt Nam. Vài thập kỷ trước họ không nói vậy, nhưng giờ đây họ đang nhìn vào Việt Nam như một điểm đến cho sự phát triển và cơ hội. Một trong những điều chúng tôi có thể thấy được là các chính sách của Việt Nam đã cải thiện và đa dạng hóa”, ông Ted Osius nói.
Cơ hội “vàng” đón dòng vốn giá trị
Chuyên gia nhận định, khi niềm tin của những doanh nghiệp quốc tế lớn ngày càng vững vàng thì Việt Nam càng có cơ hội để hút dòng vốn FDI.
TS Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - nhận định: Việt Nam có ưu thế về nhân công lao động, thị trường, vấn đề kết nối với thế giới và các Hiệp định thương mại... Bên cạnh đó là sự ổn định về môi trường đầu tư kinh doanh cũng như nỗ lực cải thiện của Chính phủ. Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng đang diễn ra thì Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn và thuận lợi cả về địa chính trị, thể chế chính sách, môi trường đầu tư, do đó đã thu hút các doanh nghiệp lớn ở Mỹ.
Ngoài ý nghĩa hút vốn thì sự xuất hiện của doanh nghiệp FDI còn thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, tích cực với doanh nghiệp trong nước, cũng như tạo công ăn việc làm cho người lao động. Cuộc chơi này vừa giúp doanh nghiệp có thể liên kết với những đối tác lớn mở rộng cơ hội kinh doanh, vừa không ngừng có động lực nâng cao năng lực cạnh tranh, để không thua ngay trên sân nhà. Những doanh nghiệp không đầu tư bài bản, sản xuất thiếu quy chuẩn sẽ rất khó trụ lại giữa cuộc chơi khốc liệt này.
Để cải thiện và tận dụng cơ hội thu hút FDI từ EU, Việt Nam cần coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng.
Trong khi đó, ông Hong Sun cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài ở các nước lân cận để tăng khả năng cạnh tranh thu hút FDI của nước mình. Đồng thời, cũng cần sớm giải quyết một số vướng mắc, khó khăn mà các nhà đầu tư Hàn Quốc thấy chưa hợp lý, chưa rõ về căn cứ thực thi. Ví dụ, vấn đề giấy phép lao động, cấp visa và cấp thẻ tạm trú, quy định phòng cháy, chữa cháy...“Tôi cho rằng, khi những vấn đề trên được cải thiện thì FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng”, ông Hong Sun trả lời VTC News.
Còn ông Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam - khuyến cáo, Việt Nam không nên bị quá phụ thuộc vào vốn FDI và doanh nghiệp FDI. “Nếu chúng ta quá phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI mà không chú trọng doanh nghiệp trong nước thì rủi ro về mặt ngoại thương sẽ tăng lên. Hiện nay đến hơn 70% giá trị hàng xuất khẩu thuộc về các doanh nghiệp FDI. Như vậy tỷ trọng phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI là rất lớn. Thế nên chúng ta cần phải chú ý để nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong nước, tạo sự cân bằng, đảm bảo khả năng xuất, nhập khẩu, thị trường trong nước phù hợp”, ông phân tích.
Tiếp đến, phải có những chiến lược, sách lược để kinh tế tư nhân phát triển một cách bền vững. Bản thân doanh nghiệp cần phải vận động theo quy luật thị trường, có phương pháp quản trị rủi ro tốt, có tầm nhìn dài hạn… Tuy nhiên, vai trò của các cơ quan hành chính, cơ quan pháp luật nhằm tạo ra môi trường kinh doanh tích cực để doanh nghiệp có tầm nhìn phát triển bền vững, không có tư tưởng nhìn vào lợi ích ngắn hạn, “ăn xổi ở thì” cũng hết sức quan trọng.
Theo VTC