Tạo niềm vui cộng đồng
Năm nay, lễ Sene Dolta sẽ diễn ra vào các ngày 8, 9 và 10-10 (nhằm ngày 29-8, ngày 1 và 2-9 âm lịch). Tuy nhiên, không khí chuẩn bị ở các địa phương có ĐBDTTS Khmer trên địa bàn tỉnh đã rộn rã từ mấy tuần qua. Không chỉ ở vùng Bảy Núi (Tri Tôn, Tịnh Biên) mà ở khu vực núi Ba Thê, núi Sập (Thoại Sơn), các xã Cần Đăng, Vĩnh Thành (Châu Thành), ĐBDTTS Khmer đã cùng nhau đến phụ quét dọn, trang trí chùa Khmer, vệ sinh các tháp đựng tro cốt của người thân. Đối với nhà cửa, bà con dọn dẹp, bày biện lại gọn gàng, tinh tươm.
Tại huyện Tri Tôn, nơi tập trung đông đảo ĐBDTTS Khmer nhất tỉnh, để chào mừng lễ Sene Dolta, UBND huyện vừa tổ chức thành công Hội đua bò Bảy Núi truyền thống lần thứ XIII tại sân đua bò chùa Tà Pạ (xã Núi Tô). Tham dự lễ hội văn hóa - thể thao độc đáo này, có 40 đôi bò tiêu biểu được tuyển chọn từ 10 xã, thị trấn có ĐBDTTS Khmer sinh sống trên địa bàn huyện Tri Tôn. Cùng với đó là các sư sãi, ta à cha, phật tử Khmer địa phương cùng hàng ngàn du khách trong và ngoài tỉnh đến chung vui với đồng bào.
Đua bò mừng lễ Sene Dolta
Môn đua bò được xem là môn thể thao cạnh tranh khốc liệt khi ở mỗi lượt thi đấu, 2 đôi bò phải cạnh tranh trực tiếp với nhau và loại bỏ đối thủ để vào vòng trong. Sau khi xuất phát chạy 1 vòng hô, 2 đôi bò phải bứt tốc ở vòng thả trong khoảng 100m cuối để giành chiến thắng. Luật chơi quy định rõ ràng: ở vòng hô, nếu đôi bò sau tăng tốc đạp bừa đôi bò trước thì đôi bò sau thua cuộc. Đôi bò nào tạt ra 2 bên khỏi đường đua cũng phạm quy và bị loại. Ngược lại, ở vòng thả, nếu đôi bò sau đạp bừa đôi bò trước thì được xem là thắng cuộc. “Tôi đã tập dợt đôi bò rất kỹ, chăm sóc dinh dưỡng chu đáo để chúng có đủ sức khỏe tham gia các vòng đua. Năm nay, tuy đôi bò tôi không giành được giải nhất nhưng thành tích lọt vào cặp đua chung kết là thành công rồi. Đây được xem như món quà dâng tặng cho ông bà, tổ tiên nhân dịp lễ Sene Dolta” - ông Chau Vúth Thi (ngụ thị trấn Tri Tôn), chủ đôi bò mang số đeo 34 (đạt giải nhì tại Hội đua bò Bảy Núi truyền thống huyện Tri Tôn lần thứ XIII) chia sẻ.
Tưởng nhớ ông bà
Hòa thượng Chau Cắt, trụ trì chùa Mỹ Á (còn gọi là chùa Pro Lai Miês, xã Núi Voi, Tịnh Biên) cho biết, so với vài chục năm trước, đời sống ĐBDTTS Khmer giờ đây khá hơn nhiều. Đó là nhờ chính sách chăm lo của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm động viên của các ngành, các cấp địa phương trên địa bàn tỉnh. Kinh tế khá hơn nên bà con phật tử chuẩn bị nhà cửa tươm tất hơn để đón rước ông bà, tổ tiên, hỗ trợ quét dọn, vệ sinh, trang trí chùa để làm lễ chính. “Những chính sách chăm lo về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, hỗ trợ cho vốn nuôi bò, tập huấn kỹ thuật canh tác nông nghiệp, hỗ trợ học sinh đến trường… đã góp phần nâng cao đời sống, trình độ dân trí của ĐBDTTS Khmer. Nhờ vậy, những lễ hội truyền thống của ĐBDTTS Khmer như: Chol Chnam Thmay (mừng năm mới), Óc Ôm Bóc (tương đương Tết Trung thu), Sene Dolta (lễ báo hiếu) diễn ra văn minh hơn trên tinh thần vui vẻ, an toàn, tiết kiệm”- hòa thượng Chau Cắt chia sẻ.
Đồng bào dân tộc thiểu số Khmer phấn khởi chào đón Dolta
Năm nay, lễ Sene Dolta tại chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, Tri Tôn) diễn ra hấp dẫn hơn khi “bảo tàng thu nhỏ về văn hóa lúa nước Khmer” tại chùa đã hoàn thiện, bày trí đẹp mắt. Người có công lập ra “bảo tàng” này là hòa thượng Chau Sơn Hy (sãi cả chùa Sà Lôn) khi ông vận động đồng bào Khmer gom lại những vật dụng xưa cũ, không dùng tới. Món nào còn nguyên thì để y vậy, món nào hư mục thì tu sửa hoàn chỉnh. Chùa mới mở nhà trưng bày, phục vụ phật tử, đồng bào Khmer đi viếng chùa và lễ Phật thường nhật, rồi vào tham quan để thấy được giá trị đời sống xưa và nay. “Những vật dụng này gắn với lễ Dolta ngày xưa. Khi đời sống còn khó khăn, bà con phải đi xa cày cấy, lâu lâu mới có dịp về thăm, báo hiếu ông bà, cha mẹ. Ngày nay, khi đời sống phát triển, người dân có điều kiện gần gũi gia đình hơn nên lễ Dolta được rút ngắn xuống còn 3 ngày, chứ không kéo dài từ ngày 16 đến ngày 30 tháng Bhaddapada (tương đương tháng 8 âm lịch) như trước” - hòa thượng Chau Sơn Hy thông tin.
Lễ Sene Dolta là một trong những nghi lễ mang ý nghĩa rất lớn về lòng hiếu kính, tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ. Đây là nét đẹp truyền thống của ĐBDTTS Khmer Nam Bộ. |
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN