Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều công lao, đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc nói chung và sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam nói riêng. Là nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, có tư duy lý luận sâu sắc, kiến thức thực tiễn phong phú, tầm nhìn chiến lược ở nhiều lĩnh vực, đồng chí đã có nhiều chỉ đạo quan trọng đối với công tác quân sự, quốc phòng; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng vững chắc, xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Đỗ Mười được Đảng phân công làm Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh: Hà Đông, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình và Bí thư Thành ủy Hải Phòng; sau đó, đồng chí được phân công làm Phó bí thư Liên khu ủy, kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính, Chính ủy, Tư lệnh Liên khu 3; Bí thư Khu ủy Khu Tả ngạn sông Hồng, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính và Chính ủy Quân khu Tả ngạn sông Hồng. Trên các cương vị công tác, đồng chí luôn tận tụy, đem hết sức lực, trí tuệ và phẩm chất của người cộng sản, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đầu năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta bước vào thời kỳ quyết liệt. Lúc này, địch đã chiếm đóng gần hết Đồng bằng Bắc Bộ và liên tiếp mở các cuộc càn lớn, hòng phá tan các cơ sở của ta, đẩy bộ đội chủ lực và du kích ra khỏi đồng bằng. Với vai trò là người đứng đầu Khu Tả ngạn, đồng chí Đỗ Mười đã có những quyết định sáng suốt, vừa chỉ huy đánh địch giữ vững địa bàn, vừa chỉ đạo các địa phương khôi phục, đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đủ lương thực nuôi quân và chi viện cho chiến trường Tây Bắc, Việt Bắc.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch chúc mừng sinh nhật Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười tròn 100 tuổi, ngày 2-2-2016. Ảnh: HỒNG PHA.
Tháng 9-1951, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai đã quyết định chia vùng sau lưng địch thành vùng tạm bị chiếm và vùng du kích hoạt động; thành lập Khu Tả ngạn sông Hồng, bao gồm các địa phương: Hải Phòng, Kiến An(1), Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình và trực thuộc Trung ương. Tháng 11-1951, Trung ương Đảng cử đồng chí Đỗ Mười giữ chức Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính và Chính ủy Khu Tả ngạn, đồng thời giao nhiệm vụ cho đồng chí cùng với các cấp ủy đảng và các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tiến hành cuộc đấu tranh toàn diện cả về quân sự, chính trị, kinh tế; đẩy mạnh chiến tranh du kích ở Khu Tả ngạn, phối hợp với mặt trận chính, vận động các tầng lớp nhân dân trong cả hai vùng tham gia kháng chiến, kiên quyết phá tan âm mưu, kế hoạch bình định của thực dân Pháp. Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, đồng chí đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tích cực củng cố lực lượng, giữ vững cơ sở, địa bàn, chống địch càn quét, xé lẻ chúng ra mà đánh; các đơn vị bộ đội phải luôn phát huy tinh thần tiến công tiêu diệt địch theo phương châm: Không diệt được đơn vị to thì diệt đơn vị nhỏ, không diệt được toàn bộ thì tiêu diệt một bộ phận, không diệt được địch nơi chúng càn tập trung thì luồn ra ngoài vùng địch càn mà tìm diệt; các lực lượng phải quán triệt rõ quan điểm “vừa đánh tiêu diệt, vừa đánh tiêu hao sinh lực địch” của chiến tranh du kích. Bộ đội địa phương cấp tỉnh phải lấy đánh tiêu diệt làm chính, nhưng khi cần thiết thì đánh tiêu hao sinh lực địch. Bộ đội địa phương cấp huyện và dân quân, du kích lấy đánh kiềm chế, tiêu hao làm chính, nhưng khi có thời cơ thì sẽ đánh tiêu diệt bộ phận nhỏ của địch. Việc đánh địch càn quét ở địa hình đồng bằng là rất khó khăn bởi địch có sức cơ động nhanh, hỏa lực mạnh, vì thế, đồng chí đã yêu cầu các đơn vị, địa phương khi chống càn, phải kết hợp cả trong, ngoài vòng vây cùng đánh, kết hợp địa phương này với địa phương khác cùng tiến công, khiến cho địch cùng lúc phải căng lực lượng ra để đối phó với nhiều mặt, nhiều nơi. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, quân và dân Khu Tả ngạn đã đánh thắng nhiều trận càn lớn của địch, mở rộng các vùng giải phóng, khôi phục chính quyền cơ sở trên các địa bàn Hưng Yên, Thái Bình...
Giữa năm 1952, sau khi nhận chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Đỗ Mười đã chỉ đạo các đơn vị, các địa phương chuyển phương châm đánh địch với những hình thức mới; đó là: “Căng địch ra, kéo lực lượng cơ động của địch về giam chân chúng lại, không cho chúng đưa nhiều lực lượng từ Tả ngạn đi các chiến trường khác”(2). Nghĩa là, nếu như trước đây ta tập trung chống càn thì nay tập trung lực lượng, chủ động tiến công tiêu hao, tiêu diệt địch rộng khắp, tiêu diệt địch ngay trong sào huyệt của chúng, buộc chúng phải ở lại giữ đồn, giữ căn cứ. Từ sự chỉ đạo này, chúng ta đã tổ chức nhiều trận đánh và giành thắng lợi lớn, như: Trận tập kích vào căn cứ binh đoàn cơ động số 3 (GM3) của quân Pháp tại Bần Yên Nhân (Hưng Yên); trận phục kích đoàn tàu chở quân và súng đạn của địch tại Cẩm Giàng (Hải Dương); trận tập kích vào Sở dầu Thượng Lý (Hải Phòng)-kho nhiên liệu lớn nhất của quân Pháp tại Việt Nam, đốt cháy số lượng lớn xăng dầu của địch; đặc biệt là trận tập kích sân bay Cát Bi, phá hủy 59 máy bay của địch và làm sân bay bốc cháy trong suốt 17 tiếng đồng hồ. Các trận tập kích, phục kích ở các quy mô của bộ đội chủ lực và dân quân du kích đã khiến cho quân Pháp ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, không thể tập trung tổ chức các cuộc càn lớn mà buộc chúng phải dàn mỏng lực lượng để giữ đồn, giữ căn cứ, tạo điều kiện thuận lợi cho ta phát triển lực lượng, tiêu diệt các bộ phận nhỏ lẻ của địch, mở rộng vùng giải phóng. Từ việc đẩy mạnh đánh địch ở đồng bằng Tả ngạn, nhất là trên tuyến giao thông huyết mạch Đường 5, quân và dân ta đã làm cho việc tiếp tế của quân Pháp trên các chiến trường chính liên tục bị gián đoạn, đồng thời hình thành nên huyền thoại “Tiếng sấm Đường 5” còn vang vọng đến hôm nay và mai sau.
Những năm tháng lãnh đạo quân và dân Khu Tả ngạn kháng chiến, đồng chí Đỗ Mười rất chú trọng việc tổ chức sản xuất ở các địa phương và chỉ đạo các đơn vị khi cần thiết thì có thể đánh địch để sản xuất, tổ chức đấu tranh chính trị với địch để sản xuất và bảo vệ thành quả lao động. Từ năm 1951 đến 1954, mặc dù các cuộc chiến đấu trên địa bàn Khu Tả ngạn diễn ra rất khốc liệt, nhưng nhiệm vụ sản xuất vẫn không bị gián đoạn, bảo đảm đủ lương thực cho quân và dân trên địa bàn, tham gia tiếp tế hàng nghìn tấn thóc, hàng chục tấn thịt, cá cho mặt trận Tây Bắc, Việt Bắc. Với sự nỗ lực phấn đấu, hy sinh của quân và dân Khu Tả ngạn, trong đó có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của đồng chí Đỗ Mười, âm mưu bình định Đồng bằng Bắc Bộ của thực dân Pháp đã thất bại hoàn toàn. Đồng chí đã cùng quân dân Khu Tả ngạn thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng: Biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta. Sau này, cùng với các chiến trường khác, quân và dân Khu Tả ngạn tiếp tục có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Bắc, xây dựng hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết, quân Pháp có 300 ngày tạm đóng quân trên miền Bắc trước khi rút quân về nước. Trước tình hình đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Khu 300 ngày và giao cho đồng chí Đỗ Mười làm Trưởng ban. Đây là một vùng rộng lớn, bao gồm toàn bộ tỉnh Kiến An, TP Hải Phòng, đặc khu Hòn Gai và một phần các tỉnh Quảng Yên, Hải Dương. Trong Khu 300 ngày, địch tập trung đông quân và có nhiều hoạt động lôi kéo, cài cắm lực lượng phản động để phục vụ âm mưu phá hoại miền Bắc sau này. Đồng chí đã đề nghị Ủy ban Liên hiệp đình chiến đẩy nhanh tiến độ bàn giao, không bị động sa vào việc bàn giao tài sản, không để địch viện cớ trì hoãn rút quân, kết hợp với chống địch phá hoại các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các tỉnh, thành ủy trong khu vận động nhân dân tăng cường đoàn kết, nâng cao cảnh giác, kiên quyết bóc gỡ các tổ chức do địch cài cắm, tăng cường công tác địch vận, làm tan rã đội ngũ ngụy quân; làm công tác tư tưởng, vận động đồng bào công giáo thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng... Với sự chỉ đạo linh hoạt, cụ thể của đồng chí Đỗ Mười, Ban Chỉ đạo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp quản Khu 300 ngày, nhanh chóng xây dựng bộ máy chính quyền, duy trì an ninh-trật tự trong khu, phát động nhân dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Đỗ Mười được giao nhiệm vụ là Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng chi viện tiền tuyến (đồng chí Phạm Văn Đồng là Chủ tịch Hội đồng). Đồng chí đã cùng với các đồng chí Đinh Đức Thiện (phụ trách hậu cần), Phan Trọng Tuệ (phụ trách giao thông), Đồng Sỹ Nguyên (phụ trách Đoàn 559) có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo sáng tạo, kiên quyết, góp phần chi viện kịp thời các nhu cầu cho chiến trường miền Nam. Không sợ gian khổ, hy sinh, bất chấp bom đạn của kẻ thù, đồng chí đã nhiều lần ra vào Khu 4 để kiểm tra tuyến vận tải, chi viện cho miền Nam; trực tiếp chỉ đạo sơ tán hàng hóa tại cảng Hải Phòng do các nước bạn giúp đỡ, viện trợ để tránh địch đánh phá. Sau nhiều lần kiểm tra thực tế, đồng chí nhận thấy việc vận chuyển xăng dầu bằng sức người và xe cơ giới vào chiến trường là rất khó khăn, lại bị địch đánh phá ác liệt, gây thiệt hại không nhỏ cho ta. Với cương vị là Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng chi viện tiền tuyến, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo đồng chí Phan Tử Quang và bộ đội xăng dầu lắp đặt đường ống vận chuyển xăng dầu từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Sau nhiều năm thực hiện, chúng ta đã lắp đặt xong hệ thống tiếp nhiên liệu dã chiến khá hoàn chỉnh, với hàng nghìn ki-lô-mét đường ống, chạy suốt từ biên giới Lạng Sơn vào đến Bù Gia Mập (Bình Phước). Hệ thống đường ống xăng dầu thông suốt đã giúp các đơn vị thực hiện thắng lợi nhiều chiến dịch lớn, như: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế-Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ năm 1988 đến 1997, đồng chí Đỗ Mười được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1991). Trong giai đoạn này, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước đứng trước những khó khăn, thách thức. Với bản lĩnh kiên định, vững vàng, tầm nhìn sáng suốt về thời cuộc, đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đã sát cánh cùng tập thể Bộ Chính trị và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đề xuất, quyết định nhiều quyết sách quan trọng để chỉ đạo công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước ta dần thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và sự bao vây, cấm vận, tiếp tục ổn định và phát triển; hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Cùng với việc lãnh đạo đất nước phát triển kinh tế-xã hội, đồng chí Đỗ Mười đặc biệt quan tâm tới sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng Quân đội. Ngày 10-11-1989, khi đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân: “Phải lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở để xây dựng Quân đội vững mạnh; bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, xây dựng quân đội thường trực mạnh, đồng thời xây dựng quân dự bị động viên và dân quân tự vệ rộng khắp...”(3).
Trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), đồng chí đã dành nhiều thời gian đến thăm, kiểm tra và gửi thư động viên các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Tại buổi khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ VI, đồng chí Đỗ Mười đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng, gửi gắm tình cảm, niềm mong mỏi của mình tới cán bộ, chiến sĩ toàn quân nói chung và các đảng viên thuộc Đảng bộ Quân đội nói riêng. Đồng chí cho rằng: “Để hoàn thành nhiệm vụ rất nặng nề và cũng rất vẻ vang của mình, QĐND và lực lượng vũ trang nhân dân phải tập trung sức tạo ra bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, đủ sức bảo vệ vững chắc độc lập, tự do của Tổ quốc và cuộc sống lao động thanh bình của nhân dân. Trong đó, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị là vấn đề quan trọng hàng đầu...”(4). Ngày 13-5-1995, khi đến thăm và làm việc tại Bộ tư lệnh Hải quân, đồng chí đã căn dặn: “Là lực lượng chủ lực trong công cuộc bảo vệ vùng biển, nhiệm vụ của các đồng chí rất khẩn trương, nặng nề, phức tạp. Để có đủ khả năng hoàn thành trọng trách cao quý đó, Hải quân nhân dân Việt Nam cần được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng ngày càng mạnh, thực sự đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên các vùng biển...”(5). Thăm và làm việc với Bộ tư lệnh Quân khu 3, đồng chí mong muốn: Quân khu 3 tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết hiệp đồng với các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng khác... nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tích, chiến công hơn nữa. Thăm và làm việc với Viện Kỹ thuật Quân sự, đồng chí căn dặn 3 điều, trong đó nhấn mạnh: “Xây dựng Viện Kỹ thuật Quân sự thành một trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ của Quân đội có tiềm lực mạnh với một đội ngũ cán bộ khoa học giỏi... Kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu và ứng dụng sản phẩm, sản phẩm nghiên cứu ra phải vừa đáp ứng nhiệm vụ trước mắt, vừa đáp ứng nhiệm vụ lâu dài của Quân đội... Chú trọng bồi dưỡng khả năng tư duy sáng tạo và năng lực, trí tuệ để vươn lên, bắt kịp sự phát triển của khoa học, công nghệ trên thế giới, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội...”(6).
Những chỉ đạo của Tổng Bí thư Đỗ Mười về công tác quân sự, quốc phòng đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả và tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển cho phù hợp với tình hình mới. Chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng; dự báo đánh giá đúng tình hình, đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp; chủ trì phối hợp chặt chẽ với Công an nhân dân và các lực lượng khác trong hệ thống chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển toàn diện đất nước; hoàn thành việc tham mưu, hoạch định, xây dựng Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, điều chỉnh, bổ sung Quyết tâm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tổ chức lại một số đơn vị để xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh.
Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, được huấn luyện và quản lý tốt, bảo đảm khi cần thiết có thể động viên được nhanh chóng theo kế hoạch. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng vững mạnh, rộng khắp, bảo đảm về số lượng, có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Khu vực phòng thủ của các tỉnh, thành phố tiếp tục được đầu tư, xây dựng ngày càng vững chắc, qua đó dần hoàn thiện nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Đồng chí Đỗ Mười đã đi xa, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng bào và chiến sĩ cả nước. Từ niềm mong mỏi của đồng chí, cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam nguyện tiếp tục phát huy truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng”, phẩm chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xứng đáng là lực lượng chính trị đặc biệt, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại tướng NGÔ XUÂN LỊCH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Theo Quân đội nhân dân