Dòng họ có nhiều đóng góp trên mảnh đất cù lao Giêng

22/11/2022 - 07:17

 - Cù lao Giêng được mệnh danh là “đệ nhất cù lao”, bởi vẻ đẹp yên bình của cảnh quan thiên nhiên, đất đai màu mỡ, khí hậu trong lành, sản vật dồi dào. Nơi đây còn lưu dấu ấn của dòng họ Nguyễn, một trong những dòng họ có nhiều đóng góp cho sự hình thành và phát triển mảnh đất cù lao này.

Sắc phong Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư, người con Nguyễn tộc

Có công khai hoang, mở đất

Cù lao Giêng (huyện Chợ Mới) gồm 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân. Trên mảnh đất cù lao này đã sản sinh nhiều dòng họ có công với đất nước. Trong đó, Nguyễn tộc là một trong những dòng họ đầu tiên trong quá trình mở đất, lập làng ở đất cù lao Giêng, cũng là dòng họ có nhiều đóng góp quan trọng của mảnh đất này nói chung, xã Bình Phước Xuân nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Cưu (Phó Tộc trưởng Tộc họ Nguyễn) cho biết, Nguyễn tộc được xem là lớp cư dân đầu tiên theo bước chân thống soái Nguyễn Hữu Cảnh vào cù lao Giêng khai phá, lập nghiệp vào những năm đầu thế kỷ XVIII. Người đầu tiên trong dòng họ đến đây là ông Nguyễn Văn Núi và bà Lê Thị Nhạc.

Theo lời ông Cưu, ông bà Nguyễn Văn Núi và Lê Thị Nhạc có 5 người con. Người con lớn bị chết lúc còn nhỏ, 4 người còn lại đều có công trạng với triều đình. Trong đó, 3 người con của ông bà là Nguyễn Văn Thư, Nguyễn Văn Kinh và Nguyễn Văn Diện trở thành dũng tướng dưới triều nhà Nguyễn. Các ông hy sinh ngoài chiến trận, ông Nguyễn Văn Thư cùng 2 người em được truy tặng là Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, khâm sai Chưởng doanh Thư Ngọc Hầu.

Năm 1905, hậu duệ của dòng họ Nguyễn lập phủ thờ để thờ sắc phong của Ba Quan Thượng đẳng. Ban đầu, phủ thờ chỉ là một mái nhà bằng cây lá. Năm 1909, được trùng tu, xây dựng theo kiến trúc cổ, mặt hướng ra sông Tiền. Nội thất Phủ thờ là các công trình chạm, lộng gỗ tinh xảo. Các vật dụng trưng bày, như: Khánh, biển, liễn thờ, đồ binh khí, một số đầu tứ linh bằng gốm sứ còn được bảo lưu gần như nguyên vẹn.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, phủ thờ trở thành nơi ẩn nấp an toàn cho nhiều cán bộ cách mạng của tỉnh và vùng lân cận. Tại bàn thờ chánh điện là hầm bí mật, nuôi chứa nhiều cán bộ cách mạng, trong đó có các đồng chí, như: Ung Văn Khiêm, Châu Văn Liêm, Nguyễn Văn Mai… Đây là nơi bộ đội đóng quân và xuất phát đi đánh đồn giặc. Phủ thờ Nguyễn tộc đã được UBND tỉnh An Giang xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 5/9/2001.

Nhiều đóng góp cho sự phát triển

Tiếp nối truyền thống của tiền nhân, các hậu duệ Nguyễn tộc đã đóng góp rất nhiều công sức, tiền của và xương máu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong đó, có nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn (1911-2009, xã Tấn Mỹ), là hậu duệ đời thứ 7 của gia tộc họ Nguyễn, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ông không những là niềm tự hào của người dân cù lao Giêng, mà còn là niềm tự hào của nền điện ảnh kháng chiến Nam Bộ.

Sinh ra trong một gia đình từng nuôi giấu tù cách mạng vượt ngục, Nguyễn Thế Đoàn đã sớm giác ngộ và vào Đảng năm 1930. Ông là người khai sinh điện ảnh Khu 9 Nam Bộ, và là một trong những nhà quay phim đầu tiên của điện ảnh chiến trường Nam Bộ. Không chỉ quay phim, ông còn mày mò, tự tìm cách chế “buồng tối” để tráng phim và mang đi chiếu phục vụ nhân dân vùng giải phóng.

Ông Nguyễn Thế Đoàn được xem là người đầu tiên thực hiện những thước phim vô giá về cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: Bác Hồ đi thăm dân công, cưỡi ngựa đi công tác, dạy võ cho cán bộ, đánh tài liệu, tắm suối, giặt quần áo…

Những thước phim đó trở thành vô giá, lay động hàng triệu người Việt Nam. Đây còn là những tư liệu quý để dựng nên những bộ phim tài liệu lớn: Hồ Chí Minh - Chân dung một con người, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh… Với những cống hiến hết mình vì nghệ thuật và sự nghiệp giải phóng dân tộc, nghệ sĩ Nguyễn Thế Đoàn đã được nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Không những có công với cách mạng, nhiều năm qua, dòng họ Nguyễn còn là một trong những dòng họ hiếu học nổi tiếng ở cù lao Giêng. Duy trì công tác khen thưởng, khuyến học - khuyến tài cho con cháu trong dòng họ. Năm 2009, Chi hội Khuyến học dòng họ Nguyễn được thành lập, với mục đích vận động các gia đình phát huy tinh thần hiếu học, cùng nhau khuyến khích, giúp đỡ con cháu nỗ lực vượt khó, học tập tốt, trở thành công dân hữu ích.

Quỹ Khuyến học dòng họ Nguyễn được xây dựng bằng sự đóng góp của các gia đình và vận động con em thành đạt trong tộc họ. Ngoài việc hỗ trợ học sinh nghèo, khen thưởng học sinh, sinh viên có thành tích cao trong học tập, Quỹ Khuyến học của dòng họ Nguyễn được xem là nguồn động viên, đồng thời góp phần “truyền lửa” cho phong trào học tập của dòng họ, giúp đỡ các học sinh khó khăn được đến trường.

Hàng năm, vào các dịp ngày giỗ Ba Quan Thượng đẳng, ngày 25/6 (âm lịch), các gia đình họ Nguyễn ở cù lao Giêng luân phiên đăng cai tổ chức lễ họp mặt dòng họ hiếu học để khen thưởng những học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt. Bên cạnh đó, những gia đình nuôi con ăn học thành tài sẽ được vinh danh và tặng giấy khen cùng quà lưu niệm.

ĐỨC TOÀN