Đồng lòng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

07/12/2020 - 06:26

 - Những năm gần đây, TP. Long Xuyên (An Giang) có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, dù gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đến thời điểm này, gần 70% trường đạt chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Trường Mẫu giáo Hoàng Oanh đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2

Gần đây nhất, ngày 20-11, Trường mẫu giáo Hoàng Oanh (đạt chuẩn quốc gia từ năm 2014) đón nhận Bằng công nhận của UBND tỉnh về “Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3”. Những năm qua, nhà trường luôn giữ vững kỷ cương, nền nếp trong hoạt động dạy và học; chất lượng giáo dục toàn diện luôn ổn định so với mặt bằng chung của thành phố; đẩy mạnh việc cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học; đạt thành tích xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu khối thi đua ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) năm học 2019-2020.

Theo Phòng GD&ĐT TP. Long Xuyên, qua thời gian tập trung thực hiện trong năm 2020, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố, sự quan tâm đầu tư của tỉnh, thành phố, Long Xuyên đã hoàn thành hồ sơ 4 đơn vị, tiến tới dấu mốc 39/56 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 69,64%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Long Xuyên nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra). Trong đó gồm 11 đơn vị mầm non, 17 đơn vị tiểu học, 11 đơn vị THCS.

“Thành tích này đến từ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, gồm sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy; sự vận hành, chỉ đạo của UBND thành phố; sự tham mưu tích cực của Phòng GD&ĐT; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể thành phố và 13 phường, xã; sự hỗ trợ, chỉ đạo về mặt chuyên môn của cấp trên. Từng cá nhân, tập thể được giao nhiệm vụ rất cụ thể, rõ ràng, như: một Phó Chủ tịch UBND thành phố và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thành phố sẽ phụ trách chính về vấn đề cơ sở vật chất; những nội dung không cần vốn sẽ do một Phó Chủ tịch UBND thành phố (phụ trách văn hóa - xã hội) và Phòng đảm nhiệm, theo dõi sát sao. Phường, xã và các đơn vị trường học có trách nhiệm phối hợp đẩy mạnh xã hội hóa” - Trưởng phòng GD&ĐT TP. Long Xuyên Phan Thị Yến chia sẻ.

Bên cạnh thành tích đạt được, trăn trở của địa phương là vẫn còn 18/56 trường chưa đạt chuẩn, do các cơ sở trường lớp đã xuống cấp, diện tích mặt bằng, trang thiết bị còn thiếu, chất lượng giáo dục chưa đồng đều. Điển hình như các trường mẫu giáo: Hoa Cúc, Hoa Lan, Vàng Anh, Hoa Mai, Họa Mi, Hoa Sen thiếu diện tích đất, chưa có vị trí đất xây dựng mới. Một số trường chờ xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng; thiếu diện tích đất, học sinh quá tải...

Đối với một số trường quá đặc thù, khó giảm tải số lượng lớp học theo quy định (dù nhiều năm là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh, thành phố), sẽ được phát triển theo hướng trường chất lượng cao, thay cho trường chuẩn quốc gia (THCS Nguyễn Trãi, Tiểu học Nguyễn Du), đảm bảo 100% trường học trên địa bàn TP. Long Xuyên đạt chuẩn quốc gia và đạt chất lượng cao.

Thời gian tới, địa phương tiếp tục trang bị phòng chức năng, tạo quỹ đất cho các đơn vị trường theo tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới phương pháp dạy và học, xem đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng, kết quả học tập của học sinh, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, kích thích sự năng động, sáng tạo của giáo viên trong giảng dạy. Nhà trường phải làm tốt công tác tuyển sinh, duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục để đạt được các tỷ lệ học sinh khá, giỏi theo quy định.

Bên cạnh đó là các giải pháp về công tác quản lý, chỉ đạo, cơ chế phối hợp thực hiện, như: tăng cường công tác tham mưu của các cơ quan quản lý giáo dục với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; đảm bảo cân đối nguồn lực để thực hiện mục tiêu; xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục phải gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia...

“Ngoài ra, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương, đường lối, mục tiêu giáo dục đến toàn thể nhân dân; bắt đầu từ nhận thức về ý nghĩa của công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho địa phương. Tuyên truyền công tác xã hội hóa giáo dục, tuyên truyền để nhân dân tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động, các nguồn lực hợp pháp để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, phát huy vai trò của hội đồng giáo dục, Hội Khuyến học các cấp, góp phần xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” - bà Phan Thị Yến thông tin.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH