Động lực phát triển nền kinh tế

27/07/2023 - 06:56

 - Từ nay đến năm 2030, An Giang phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh thuộc nhóm khá ở khu vực ĐBSCL; đến năm 2045, trong nhóm dẫn đầu khu vực và ở mức trung bình cả nước.

An Giang phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; đóng góp của kinh tế khu vực đô thị vào GRDP khoảng 85%

Đẩy mạnh đô thị hóa

Đô thị hóa và phát triển đô thị là cơ hội đối với mỗi quốc gia, mỗi khu vực, địa phương để có thể phát triển và tăng trưởng vượt bậc về mọi mặt. Phát triển đô thị đồng thời là động lực của phát triển kinh tế. Hiện nay, khu vực đô thị có những đóng góp quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Nếu phát triển đúng hướng, phát triển bài bản, có tầm nhìn, đột phá, đô thị sẽ phát huy được hết vai trò.

Ngược lại, phát triển đô thị thiếu định hướng và tầm nhìn, có thể gây ra những hậu quả phải giải quyết lâu dài. Do đó, việc quan tâm hoạch định chính sách, các giải pháp thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị có kế hoạch, có lộ trình là nhiệm vụ thiết yếu để nắm bắt được xu thế, hóa giải được những khó khăn, thách thức nhằm phát triển đô thị nhanh và bền vững.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, những năm qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đến năm 2022, toàn tỉnh có 22 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (TP. Long Xuyên), 1 đô thị loại II (TP. Châu Đốc), 1 đô thị loại III (TX. Tân Châu), 7 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 41%; hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, thương mại, giáo dục và đào tạo. Đồng thời, mời gọi đầu tư hình thành nhiều khu đô thị hiện đại; đẩy mạnh đô thị hóa nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn…

Tuy nhiên, đô thị phát triển chưa đồng đều, kinh tế khu vực đô thị chưa thể hiện rõ vai trò chủ đạo trong phát triển của tỉnh. Đô thị hóa chưa gắn với chất lượng đô thị; môi trường đô thị chưa được cải thiện, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng còn hạn chế; việc đầu tư xây dựng còn dàn trải, thiếu điều tiết quản lý tổng thể và chưa thực sự đáp ứng tình hình thực tế và mục tiêu đặt ra.

Nguyên nhân do một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển đô thị; năng lực quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển; công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng theo quy hoạch còn hạn chế…

Đến năm 2030 có 27 đô thị

Để tạo động lực phát triển, Tỉnh ủy vừa ký ban hành Chương trình hành động 15-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị tỉnh An Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, An Giang có 27 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa trên 50%; đóng góp của kinh tế khu vực đô thị vào GRDP khoảng 85%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt từ 1,9 - 2,3%; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt từ 16 - 26%; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt từ 8 - 10m2; diện tích sàn nhà ở bình quân trên người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 32m2.

Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt 100%; tiếp tục đầu tư hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí đô thị, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G và các công nghệ sau 5G, tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.

Theo Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, quan điểm của tỉnh là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. Đổi mới tư duy, phương pháp quy hoạch đô thị đảm bảo tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy chất lượng cuộc sống người dân làm trung tâm, lấy văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Quy hoạch đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị. Kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các khu đô thị mới, bảo đảm kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy. Phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị. Chú trọng tổ chức lại đời sống dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho dân cư đô thị; xây dựng các đô thị tổng hợp phục vụ phát triển thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ…

THU THẢO