Động lực phát triển từ giao thông

02/07/2024 - 06:09

 - “Đại lộ, đại phú” là kinh nghiệm được đúc kết bao đời nay và luôn đúng trong thực tế. Việc đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, nhất là cao tốc Bắc Nam, hệ thống giao thông vùng ĐBSCL được xem là động lực quan trọng để các vùng kinh tế kết nối, bứt phá phát triển.

Hướng đến 5.000km cao tốc

Chủ trì phiên họp lần thứ 12 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Trưởng ban Chỉ đạo) yêu cầu trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được, đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ với tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong mọi trường hợp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, chủ đầu tư, các nhà thầu, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm hiệp lực, “chỉ bàn làm không bàn lùi”, “không có nói không, không có nói khó, không nói khó mà không làm”.

Triển khai thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Thủ tướng đề nghị các ban quản lý dự án, nhà thầu thi công nêu cao tinh thần trách nhiệm, thi công “3 ca, 4 kíp”, bảo đảm chất lượng, kỹ - mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, tạo cảnh quan không gian phát triển của dự án sau khi hoàn thành; phối hợp địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng.

Đến nay, cả nước có khoảng 2.000km đường bộ cao tốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ GTVT phối hợp Bộ Nội vụ xây dựng chương trình thi đua 500 ngày nỗ lực hoàn thành thêm 1.000km đường bộ cao tốc, đạt chỉ tiêu xây dựng 3.000km đường cao tốc vào năm 2025, lập thành tích chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Từ đó, tạo cơ sở để hoàn thành xây dựng 5.000km đường bộ cao tốc vào năm 2030 theo chủ trương của Bộ Chính trị.

Không để thiếu cát

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng phân công, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (Phó Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT) đã có buổi làm việc với các bộ, địa phương, cơ quan có liên quan về xử lý khó khăn, vướng mắc cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận và biểu dương Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng đã chủ động điều phối và cung ứng nguồn cát đắp nền đường cho các dự án giao thông trọng điểm trong khu vực; đặc biệt, tỉnh Bến Tre đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng tương trợ nguồn vật liệu cho phần thiếu hụt của các dự án, nhờ đó bảo đảm được phần lớn nhu cầu cát đắp nền đường theo tiến độ.

Đối với dự án còn thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường, Phó Thủ tướng yêu cầu trong tháng 7/2024, các địa phương có mỏ cát phải hoàn thành thủ tục để khai thác cát cung ứng cho các dự án, bảo đảm khối lượng, công suất đáp ứng tiến độ thi công. Trong đó, tỉnh Tiền Giang cung ứng khoảng 15,95 triệu m3 cho các dự án: Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khoảng 2 triệu m3; dự án thành phần 2 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (qua TP. Cần Thơ) khoảng 4,55 triệu m3; dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh khoảng 6,6 triệu m3; dự án thành phần 2 thuộc dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu khoảng 0,95 triệu m3; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận khoảng 1,85 triệu m3...

Tỉnh Bến Tre cung ứng khoảng 7,37 triệu m3 cho các dự án: Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khoảng 2 triệu m3; dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (qua tỉnh Hậu Giang) khoảng 3,37 triệu m3; dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh khoảng 2 triệu m3...

Tỉnh An Giang cung ứng đủ 3,39 triệu m3 cát đắp nền đường cho phần còn thiếu của dự án thành phần 1 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua An Giang). Trong khi đó, các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng tiếp tục rà soát, ưu tiên cung ứng vật liệu đắp nền cho các dự án trọng điểm theo tiến độ; tỉnh Vĩnh Long cung ứng cho dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh 1,4 triệu m3 (năm 2024 là 0,7 triệu m3).

Làm rõ thông tin cát biển

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao lãnh đạo Bộ GTVT làm Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành, phối hợp Bộ TN&MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan có liên quan trực tiếp làm việc ngay với các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang... để chủ động nắm bắt và giải quyết dứt điểm, triệt để các khó khăn, vướng mắc về vật liệu đắp nền đường; kịp thời hướng dẫn rõ ràng, cụ thể các thủ tục về nâng công suất mỏ hiện đang khai thác trước ngày 15/7/2024; thủ tục rút gọn nhất để cấp phép mỏ mới, hoàn thành trước ngày 15/7/2024, bao gồm cả việc không phải thực hiện đấu giá theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 22 Nghị định 158/2016/NĐ-CP.

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Hậu Giang có thông tin chính thức, đầy đủ cho các cơ quan truyền thông về chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường; kết quả mà Bộ GTVT đã thực hiện thí điểm trong thời gian qua, nhất là việc ảnh hưởng (nhiễm mặn) đến cây trồng, vật nuôi tại khu vực thí điểm.

Trong đó, lưu ý thông tin rõ ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh về việc một số diện tích lúa của tỉnh Hậu Giang bị nhiễm mặn trong thời gian qua không liên quan đến hoạt động thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, địa phương đã thành lập hội đồng xét duyệt hồ sơ đăng ký khai thác cát biển và lập tổ kiểm tra cát biển, giám sát hoạt động khai thác của các nhà thầu. Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã nhận được văn bản đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển với khối lượng 24,49 triệu m3, phục vụ các dự án cao tốc theo cơ chế đặc thù của Quốc hội; tiến hành cấp bản xác nhận cho các nhà thầu. Sau khi được Bộ TN&MT giao khu vực biển, các nhà thầu sẽ tiến hành khai thác.

NGÔ CHUẨN