Dự báo giá xăng dầu tăng nhẹ trong tuần tới

18/06/2023 - 16:25

Giá xăng dầu tuần này bất ngờ bật tăng hơn 2% với cả dầu Brent và WTI, các doanh nghiệp dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh tăng trong tuần tới.

Với đà tăng của giá dầu thế giới, các chuyên gia và doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp bán lẻ trong nước dự báo, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh tăng 100 - 200 đồng/lít trong kỳ điều chỉnh thường lệ vào ngày 21/6 tới.

Giá xăng dầu trong nước tăng 100 - 200 đồng/lít?

Chia sẻ với VTC News, một số doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ cho biết, với diễn biến giá dầu thế giới như hiện nay, nhiều khả năng trong kỳ điều hành tới, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được Liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng nhẹ 100 - 200 đồng/lít.

Tuần tới, giá xăng dầu trong nước dự báo sẽ tăng nhẹ. (Ảnh minh hoạ).

“Nếu giá xăng dầu trên thế giới biến động theo chiều hướng như hiện tại trong những ngày tới, dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể được điều chỉnh tăng 100 - 200 đồng/lít, thậm chí cao hơn.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá xăng dầu kỳ này thế nào còn phụ thuộc vào việc trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và các loại phí có điều chỉnh khác nếu có”, đại diện một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng 18/6 được áp dụng theo phiên điều hành ngày 12/6 của Liên Bộ Tài chính - Công Thương. Cụ thể, xăng E5RON92 không cao hơn 20.878 đồng/lít (giữ nguyên so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1,137 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 22.015 đồng/lít (giữ nguyên so với giá bán lẻ hiện hành); dầu điêzen 0.05S không cao hơn 18.028 đồng/lít (tăng 85 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); dầu hỏa không cao hơn 17.823 đồng/lít (tăng 52 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.719 đồng/kg (giảm 164 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).

Liên Bộ Tài chính - Công Thương thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 228 đồng/lít (kỳ trước 300 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 180 đồng/lít (kỳ trước 300 đồng/lít); dầu điêzen ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước 300 đồng/lít); dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước 300 đồng/lít); dầu mazut ở mức 100 đồng/kg (kỳ trước 300 đồng/kg).

Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương cũng quyết định không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.

Giá dầu thế giới có xu hướng tăng

Cuối tuần trước, nhiều nhà phân tích dự đoán giá dầu tuần này sẽ tăng. Và vào sáng 18/6, giá dầu thô WTI trên thế giới ở mức 71,3 USD/thùng, tăng 0,38 USD, trong khi giá dầu Brent giao dịch ở mức 76,17 USD/thùng, tăng 0,23 USD so với phiên giao dịch trước đó.

Với ba phiên tăng giá khá cao và hai phiên giảm tốc, giá dầu tuần này đã trải nghiệm tuần tăng giá với dầu Brent tăng 2,4% lên mức 76,17 USD/thùng, dầu WTI tăng 2,3% lên mức 71,3 USD/thùng.

Dầu tăng và đạt mức tăng hàng tuần do nhu cầu của Trung Quốc cao hơn và việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+ đã nâng giá, bất chấp sự yếu kém dự kiến ​​trong nền kinh tế toàn cầu và triển vọng tăng lãi suất tiếp theo.

Tuy nhiên, ngay ở phiên đầu tiên của tuần, giá dầu đã kéo dài chuỗi giảm giá của hai tuần trước đó bằng cú lao dốc sốc gần 4%. Sự trượt dốc này của giá dầu là do Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu với lý do nguồn cung cao hơn dự kiến vào cuối năm nay và năm 2024.

Ngân hàng này dự báo giá dầu thô Brent tháng 12 giảm xuống mức 86 USD/thùng từ mức 95 USD/thùng trước đó và giá dầu WTI xuống mức 81 USD/thùng từ mức 89 USD/thùng.

Lo ngại về tăng trưởng nhu cầu ngay trước thềm công bố dữ liệu lạm phát quan trọng và cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đẩy giá dầu lao dốc. Nhưng giá dầu đã không thể duy trì cú trượt dốc sang phiên thứ hai của tuần sau.

Dữ liệu lạm phát từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt, xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm nhưng mức lạm phát vẫn cao hơn so với mục tiêu của FED. Dữ liệu này đã hỗ trợ giá dầu tăng hơn 4%.

Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của nước này đã tăng khoảng 8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/6, tăng “khủng” so với dự báo giảm 500.000 thùng của các nhà phân tích. Dự trữ xăng và dầu diesel cũng tăng nhiều hơn dự kiến.

Tại hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu đã tăng hơn 4% do đồng USD giảm, hoạt động lọc dầu tăng vọt tại Trung Quốc, và việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+.

Với ba phiên tăng giá khá cao và hai phiên giảm tốc, giá dầu tuần này đã trải nghiệm tuần tăng giá với dầu Brent tăng 2,4% lên mức 76,17 USD/thùng, dầu WTI tăng 2,3% lên mức 71,3 USD/thùng.

Với đà tăng của giá dầu như hiện nay, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cho biết sẽ là thực tế nếu cho rằng giá dầu có thể chạm mốc 80 USD/thùng.

Dự báo tuần tới, Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 1/4 điểm phần trăm. Các bình luận của các quan chức Fed sau bình luận của chủ tịch Fed về khả năng tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm sẽ tiếp tục là đề tài theo dõi của các nhà đầu tư và cũng là nhân tố ảnh hưởng đến giá dầu vào tuần giao dịch mới và dự báo sẽ tiếp tục tăng nhẹ.

Theo PHẠM DUY (VTC News)