Dù học trực tiếp hay trực tuyến, ngành giáo dục vẫn kiên trì với mục tiêu chất lượng

02/12/2021 - 08:03

Thời quan vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã đến kiểm tra một số tỉnh, thành phía Bắc về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong bối cảnh ứng phó dịch COVID-19, ngành giáo dục luôn kiên trì với mục tiêu chất lượng.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang tích cực triển khai đổi mới Chương trình Chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết Quốc hội. Theo đó, đã ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với rất nhiều điểm mới; từ quan điểm xây dựng chương trình, đến mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực; kế hoạch giáo dục; định hướng về nội dung giáo dục; phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dự một tiết học ở Bắc Giang. Ảnh: TH

Thứ trưởng cho biết, chương trình, sách giáo khoa mới, kể từ khi Nghị Quyết 88 ban hành, phải mất 6 năm chờ đợi mới có thể triển khai trong sự mong đợi, kỳ vọng của toàn xã hội. Trách nhiệm thực hiện tốt chương trình của đội ngũ cán bộ, giáo viên, những người làm giáo dục là rất lớn. Từng nhà giáo vì thế cần nâng cao nhận thức để nỗ lực đổi mới, phát triển bản thân, đóng góp cho sự thành công của chương trình và giúp học sinh được hưởng lợi. Đổi mới trong điều kiện bình thường đã khó, thực hiện trong bối cảnh ứng phó với dịch COVID-19 còn khó khăn hơn. Nhưng trong mọi trường hợp, dù dạy trực tuyến hay trực tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu phải “kiên trì mục tiêu chất lượng” để học sinh được học một cách tử tế.

Tại buổi kiểm tra ở Hải Dương, xác định cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên là hai nhân tố “then chốt” làm nên thành công của chương trình, Thứ trưởng đặc biệt yêu cầu địa phương cần quan tâm phát triển đội ngũ. Bộ BG&ĐT đã xây dựng 9 modul bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý/giáo viên cốt cán các tỉnh thành. Từng địa phương, nhà trường phải phối hợp với trường sư phạm trọng điểm tiếp tục hỗ trợ đội ngũ đại trà tự bồi dưỡng và triển khai chương trình mới.

“Việc bồi dưỡng phải diễn ra thường xuyên, liên tục, trở thành nhu cầu tự thân của từng giáo viên/nhà trường, chứ không phải đào tạo một lần là xong. Phải làm sao để không thầy cô nào khi dạy chương trình mới bị bất ngờ dẫn đến lúng túng, vướng mắc”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói. Đồng thời yêu cầu, các nhà trường tiểu học, THCS, THPT sớm xây dựng danh sách giáo viên sẽ dạy các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học tới, để thầy cô chuẩn bị tâm thế, nghiên cứu kỹ chương trình, sách giáo khoa và làm quen dần việc dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực…

Còn tại Tuyên Quang, Thứ trưởng yêu cầu ngành giáo dục tiếp tục làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ, để thầy cô không bỡ ngỡ, lúng túng khi thực hiện chương trình. Việc thành lập tổ tư vấn chuyên môn Giáo dục phổ thông của Sở GD&ĐT Tuyên Quang được Thứ trưởng hoan nghênh và yêu cầu phát huy hơn nữa, đặc biệt trong trợ giúp các nhà trường khi thực hiện môn Khoa học tự nhiên lớp 6 - lớp đầu tiên của cấp THCS dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc xếp thời khoá biểu, cần ưu tiên cho lớp 6 trước. Đặc biệt, các trường nên xây dựng thời khóa biểu cho cả 35 tuần để đảm bảo tính chủ động và thuận lợi cho giáo viên trong xây dựng giáo án. Quá trình thực hiện có những phát sinh, cơ sở giáo dục có thể linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học này.  

Theo Thứ trưởng, đối với các trường sư phạm- người đảm đương nhiệm vụ triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới - từ lãnh đạo đến giảng viên các trường sư phạm cần nắm thật chắc Chương trình, gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học; cũng như nhận thức sâu sắc những khác biệt của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Cùng với nhận thức là hành động; theo đó, các trường sư phạm bên cạnh quan tâm hơn nữa đến nâng cao chất lượng đào tạo, cần chú trọng hoạt động bồi dưỡng, đào tạo lại, giúp giáo viên phát triển năng lực nghề nghiệp thường xuyên, liên tục. Xây dựng cơ chế để phối hợp chặt chẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa giữa trường sư phạm với các Sở GD&ĐT trong nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo LÊ VÂN (Báo Tin Tức)