Du khảo về nguồn, nét đẹp ngày Xuân

31/01/2018 - 01:00

 - Tết đến - xuân về, một số trường tiểu học tổ chức cho học sinh (HS) du khảo về nguồn, tham quan các di tích lịch sử, các điểm du lịch để các em thư giãn và bổ sung nguồn kiến thức thực tế.

Tháp tùng cùng đoàn giáo viên (GV) và HS Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Long Xuyên) đi du khảo về nguồn mới cảm nhận hết được sự háo hức của hàng trăm em HS khối 4, 5, kể cả của GV và phụ huynh (PH), HS đi cùng. Địa điểm đầu tiên đến là địa đạo Củ Chi, “vùng đất Thép” của Việt Nam, cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh 70km. Đoàn được khám phá những đường hầm bí ẩn trong lòng đất, tham quan thực tế đường hầm với các công trình nằm sâu dưới lòng đất.

Không riêng HS lần đầu khám phá với bao kiến thức thực tế mới mẻ, kể cả PH, trong đó có những người U.60, U.70 cảm kích, vì đây là lần đầu được "mục sở thị" địa đạo. "Ngộp, nóng, khó thở, sợ... đó là cảm giác khi em chỉ mới đi đoạn đường hầm có 70m, thế mà thời chiến tranh các anh, cô, chú ăn, ngủ, sống dưới đó, chúng em vô cùng khâm phục" - em Thanh chia sẻ.

Tham quan địa đạo Củ Chi

Tham quan địa đạo Củ Chi

Rời địa đạo Củ Chi, đoàn ra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghé thăm nhà tưởng niệm nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Với lối kiến trúc độc đáo mang dấu ấn riêng biệt của vùng quê đất đỏ, nơi đây không chỉ là điểm du lịch tâm linh mà còn là nơi để thể hiện lòng biết ơn.

Thầy Đặng Hoàng Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn chia sẻ: "Hoạt động du khảo về nguồn là một trong những nội dung ngoại khóa để giáo dục kỹ năng sống cho HS. Hàng năm, trường tổ chức du khảo về nguồn, kết hợp cho HS tham quan những di tích lịch sử và cảnh đẹp của quê hương, đất nước.

Mục đích chuyến đi lần này, chúng tôi ghé thăm địa đạo Củ Chi và tượng đài khu lưu niệm chị Võ Thị Sáu, nữ anh hùng dân tộc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua đây, giáo dục cho các em biết về truyền thống lịch sử của Nhân dân ta đã có nhiều vị anh hùng đã hy sinh cho đất nước, trong đó có chị Võ Thị Sáu, đây là tấm gương để các em học tập. Hiện nay, chúng ta sống trong thời bình nhưng các em cần biết, cần hiểu để có những suy nghĩ và hành động đúng đắn, sống tốt hơn".

Các GV cho biết, trên lớp các em chỉ nghe thầy, cô truyền đạt lại những mốc lịch sử hay thuyết trình. Mặc dù, trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin có thể trình chiếu trên máy nhưng để thu hút các em chú ý nhiều hơn và khắc sâu, hiểu rõ hơn, các em phải đi thực tế.

Một chuyến đi đầy ý nghĩa, vừa chơi, vừa học, khiến các em HS rất thích thú, giúp các em hiểu biết sâu sắc hơn về những tấm gương đấu tranh, hy sinh cho độc lập tự do của đất nước, nhất là nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Qua chuyến đi các em đã học được rất nhiều điều, để vận dụng kiến thức bổ ích đã học.

Thầy Nam cho biết: "Trường Tiểu học Lê Quý Đôn nằm ngay trung tâm nội ô TP. Long Xuyên, địa bàn khá thuận lợi, điều kiện về kinh tế của phụ huynh khá tốt, hơn 70% phụ huynh là cán bộ, công nhân viên chức nên hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của các buổi dã ngoại. Khi trường phát động, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của GV, PH. Từ đó, công tác xã hội hóa, vận động PH đóng góp chi phí rất thuận lợi".

Tham quan nhà tưởng niệm nữ anh hùng Võ Thị Sáu

Tham quan nhà tưởng niệm nữ anh hùng Võ Thị Sáu

 

Kết quả sau mỗi chuyến đi cho thấy, ngoài giáo dục truyền thống cho HS còn tuyên truyền ngoài cộng đồng xã hội. Nhiều PH cho rằng, nếu không được dẫn con đi với trường khó có thời gian, điều kiện để đến những địa danh lịch sử thế này. "Đây là động lực để trường duy trì tổ chức du khảo về nguồn hàng năm" - thầy Nam chia sẻ.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU