Du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ sau 1 tháng mở cửa

15/04/2022 - 13:47

Những điểm, khu du lịch đã đông khách trở lại dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, cho thấy sự hồi sinh của du lịch, nhất là du lịch nội địa; đồng thời, cũng có những tín hiệu tốt cho du lịch quốc tế.

Sự phục hồi của du lịch nội địa, đón những đoàn khách quốc tế

Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết), trong 3 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (từ ngày 9 đến 11-4), cả nước đã phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong đó có khoảng 1,6 triệu lượt khách lưu trú.

Đón đoàn khách quốc tế trên chuyến bay đến Đà Nẵng cuối tháng 3/2022.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, Hà Nội phục vụ khoảng 200.000 lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt 560 tỷ đồng. Thành phố Hồ Chí Minh phục vụ khoảng 250.000 lượt, công suất phòng ước đạt 50%, tổng thu từ du lịch ước đạt 1.100 tỷ đồng. Tỉnh Phú Thọ phục vụ khoảng 550.000 lượt khách, trong đó riêng Khu di tích Đền Hùng khoảng 535.000 lượt khách; công suất phòng ước đạt 50% (tính từ 1/3 đến 10/3, khu di tích lịch sử Đền Hùng- Phú Thọ) đã đón khoảng 1 triệu lượt du khách về dâng hương, trẩy hội. Thành phố Đà Nẵng phục vụ khoảng 78.000 lượt khách, công suất phòng ước đạt 50-60%. Thành phố Cần Thơ mới khánh thành Đền thờ Vua Hùng nên lượng khách tham quan, du lịch tăng cao, phục vụ khoảng 850.000 lượt; tổng thu từ du lịch ước đạt 350 tỷ đồng; công suất phòng các khách sạn đạt 80-90%...

Tại các cơ sở lưu trú, lượng du khách đặt phòng tăng cao, đặc biệt ở một số trung tâm du lịch lớn, khách đặt kín phòng trong dịp nghỉ lễ. Công suất phòng trung bình đạt 40-45%, riêng khách sạn từ 3-5 sao đạt trên 65%.

Tổng cục Du lịch đánh giá, hoạt động du lịch sôi động trở lại tại hầu hết các trung tâm du lịch trên cả nước là tín hiệu vui, khởi đầu cho giai đoạn phục hồi và phát triển của ngành du lịch trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Trong thời gian qua, ngành du lịch và các địa phương tập trung đẩy mạnh hoạt động kích cầu, phục hồi du lịch nội địa. Trong đó ngành du lịch xác định một trong những quan điểm chủ đạo là gắn phục hồi, phát triển du lịch với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ, thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, du lịch nội địa là nội lực, nền tảng căn bản để phát triển du lịch bền vững.

“Một loạt chương trình khởi động du lịch tại các tỉnh, thành trong thời gian qua cho thấy sự phát triển du lịch không còn rào cản”, ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.

Còn với du lịch quốc tế cũng đã có nhiều tín hiệu tích cực. Đơn cử như ngày 27/3, chuyến bay quốc tế đầu tiên sau COVID-19 đã đến Đà Nẵng với gần 160 hành khách. Chuyến bay này cũng khởi động cho đường bay thường kỳ Singapore - Đà Nẵng với tần suất 1 chuyến/ngày..

Trong khi đó, ngày 8/4, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp đơn vị liên quan tổ chức Lễ đón đoàn khách du lịch quốc tế đến TP Hồ Chí Minh năm 2022. đoàn khách du lịch gần 130 thành viên, quốc tịch Hoa Kỳ, là các doanh nhân, thương gia của các doanh nghiệp, hiệp hội… Trong hành trình, đoàn đã chọn TP Hồ Chí Minh là điểm dừng chân, lưu trú dài nhất để trải nghiệm và tham quan, thưởng thức ẩm thực và các dịch vụ chất lượng cao. Sự kiện đón đoàn khách du lịch quốc tế đến TP Hồ Chí Minh là tín hiệu cho thấy thị trường du lịch quốc tế đã bắt đầu có những chuyển động khởi sắc trở lại.

Còn tại Hà Nội, các đơn vị du lịch dịch vụ cũng đang tích cực chuyển bị công tác đón tiếp, quảng bá và sản phẩm du lịch tới đoàn thể thao tham dự SEA Games 31. Với trên 10.000 vận động viên, huấn luyện viên, nhân viên… tham dự các môn thi đấu tại Hà Nội và các tỉnh lân cận sẽ là đợt quảng bá lớn cho du khách, nhất là thị trường gần trong khu vực về điểm đến an toàn.

Bên cạnh đó, một hoạt động kết nối với các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước thời gian qua được ghi nhận khá thành công là Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hanoi diễn ra từ 31/3 đến 3/4, Hội chợ thu hút đông đảo doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên cả nước đến tham quan, kết nối. Đặc biệt, ngay sau hội chợ, gần chục chuyến famtrip (chương trình khảo sát) được các tỉnh phối hợp với đơn vị du lịch tổ chức. Sắp tới là chương trình khảo sát Đắk Lắk – Kon Tum dự kiến kết nối 3 miền để giới thiệu sản phẩm mới tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam khẳng định: “Sau 2 năm bị ngắt quãng do dịch COVID-19, đến nay, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đang hồi sinh và chắp nối lại sự liên kết để chuẩn bị đón khách du lịch nội địa vào dịp hè và khách quốc tế vào mùa thu và cuối năm”.

Tạo dựng sản phẩm cho kỳ nghỉ 30/4-1/5

Hai tuần tới, người dân sẽ bước vào kỳ nghỉ dip 30/4-15 với 4 ngày nghỉ. Đây được coi là dịp kích mở màn cho mùa cao điểm du lịch hè. Vietravel dự tính sẽ phục vụ khoảng 4.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước..

Du khách tham gia các chương trình du lịch dịp nghỉ lễ vừa qua. Ảnh: HT.

Thông thường, công ty sẽ chốt khách trước ngày khởi hành khoảng 1 tuần đối với tour trong nước, 1 tuần - 2 tuần đối với tour nước ngoài, tùy theo thị trường. Đối với tour trong nước, các hành trình đang được du khách đặc biệt quan tâm là các tuyến biển: Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc. Bên cạnh đó, các tuyến đường bộ khám phá các cung đường Đông Tây Bắc như Sa Pa, Hà Giang hay tour du thuyền Hạ Long cũng được du khách quan tâm trong dịp này.

“Du khách có xu hướng ưa chuộng hơn hình thức du lịch Free & Easy bởi tính thuận tiện và tiết kiệm. Hiện có vài tour hot như Phú Quốc, giá tour dịp lễ tăng tầm 10% do vé máy bay và dịch vụ tăng. Các tour khác có mức giá ổn định do Vietravel luôn chủ động về số lượng dịch vụ đặt trước”, ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội cho biết.

Còn ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Hanoitourist cho biết: “Các tour đi đường bay dịp 30/4-1/5 gần như đã kín chỗ. Hiện công ty đăng ký với hàng không mua tiếp chỗ với giá vé cao gấp đôi nhưng khó lấy thêm. Sau dịp này, du lịch nội địa dịp hè sẽ rất đông khách khi học sinh được nghỉ hè”.

Ghi nhận chung trên thị trường du lịch, các công ty đều cho biết thời gian này, khách liên tục gọi điện tư vấn và đặt dịch vụ. Nhiều đơn vị chốt 70% dịch vụ có sẵn.

“Với du lịch, dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5 đánh dấu sự phục hồi với cơ sở hạ tầng du lịch, nhất là với khách sạn, resort nghỉ dưỡng. Thời gian qua, các cơ sở này đã khởi động trở lại nhưng chỉ một phần bởi liên quan đến nhân lực, vốn đầu tư. Thực tế khi tổ chức các đoàn khách, chúng tôi phải đi kiểm tra trước dịch vụ thì nhiều buồng phòng để lâu không sử dụng mốc, hôi. Do đó, khi khách đông trở lại, nhiều nơi chỉ đáp ứng một phần dịch vụ. Do đó, dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5 dự báo động khách nên các chủ các cơ sỏ lưu trú, nhà hàng sẽ có nguồn kinh phí để đầu tư khôi phục lại. Đây là nền tảng để tiếp tục quay vòng vốn, tái đầu tư cho dịp du lịch hè”, ông Phùng Quang Thắng nhận định.

Từ góc độ nghiên cứu, ông Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: Sau 2 năm dịch COVID-19, nhu cầu đi du lịch luôn có, nhất là các đợt nghỉ lễ, nghỉ hè luôn là dịp tạo nên làn sóng du lịch. Tuy nhiên, làn sóng này sẽ không đủ lớn vì thực tế đời sống người dân khó khăn sau đại dịch nên chi tiêu vào du lịch sẽ không cao. Dù vậy, nhu cầu đi du lịch lớn sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp huy động nguồn lực cho sự phục hồi dần dần bởi trước hết là ổn định tâm lý của khách và các doanh nghiệp tìm kiếm hợp tác đầu tư. Do đó, bên cạnh tự thân vận đồng cũng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về đào tạo, vay vốn và quan trọng là doanh nghiệp du lịch tự cứu lấy mình khi nắm bắt cơ hội.

Theo XM (Báo Tin Tức)