Mảnh đất sở hữu những tiềm năng “vàng”
Được ví như điểm đến “đa sắc”, Lạng Sơn là nơi tụ hội của nhiều dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa... Thêm vào đó, nơi đây còn sở hữu vị trí đắc địa tiếp giáp biên giới Trung Quốc, có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia và 9 cửa khẩu phụ.
Và đương nhiên, nhắc đến thế mạnh của Lạng Sơn lại không thể quên hơn 540 di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh như Khu di tích lịch sử Chi Lăng, “đệ nhất bát cảnh” ở TP Lạng Sơn...
Tất cả những yếu tố trên đã tạo nên mảnh đất Lạng Sơn đầy hấp dẫn trong mắt du khách Việt Nam cũng như quốc tế. Số lượng khách du lịch đến với Lạng Sơn năm sau cao hơn năm trước khi lượng khách năm 2019 gấp 1,36 lần năm 2013. Tổng thu từ du lịch gia tăng qua từng năm, năm 2019 gấp trên 1,5 lần năm 2013. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2013 - 2019 đạt xấp xỉ 7,2%/năm.
Mẫu Sơn hoang sơ. Đỉnh Phặt Chỉ, nơi có những hoạt động tâm linh nguyên bản của người dân tộc
Các sản phẩm du lịch của Lạng Sơn cũng được phát triển “nhiều chiều” như sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch lễ hội; văn hóa cảnh quan; du lịch biên giới, du lịch cộng đồng tại Hữu Lũng, Bắc Sơn… Cùng với đó, những sản phẩm phát triển từ đặc sản của Lạng Sơn cũng được chú trọng phát triển như sản phẩm từ hoa hồi, na Chi Lăng, hồng không hạt Bảo Lâm, thạch đen Tràng Định, quýt vàng Bắc Sơn, ba kích Đình Lập… Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Lạng Sơn, góp phần cải thiện và phát triển đời sống của người dân.
Mảnh đất Lạng Sơn đầy hấp dẫn trong mắt du khách Việt Nam cũng như quốc tế
Du lịch Lạng Sơn chờ vận hội “vươn cao, vươn xa”
Nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, tuy nhiên vẫn có ý kiến đánh giá Lạng Sơn đang phát triển chưa “xứng tầm”, chưa trở thành một thị trường mạnh và đạt được kết quả như kỳ vọng của cả Trung ương và địa phương; chưa có những khu, điểm du lịch tấp nập du khách gần xa, không có những khu vui chơi, giải trí, khu mua sắm tân kỳ, khu nghỉ dưỡng xa hoa, đẳng cấp.
Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng đây chính là chiến lược đặc biệt của du lịch Lạng Sơn: khi chưa có điều kiện để phát triển thì không thể và cũng không nên “bóc ngắn cắn dài”, không ào ào chạy theo xu thế thị trường ngắn hạn.
Tài nguyên đang được bảo tồn nguyên vẹn lại trở thành một thế mạnh của du lịch Lạng Sơn
Thực tế đã cho thấy, của càng để dành thì càng có giá. Đặc biệt, khi xu thế du lịch có biến đổi nhanh chóng, nhu cầu đến với những vùng sinh thái nguyên sơ, vùng có những đặc sắc, độc đáo đã mạnh lên hơn bao giờ hết. Chính những tài nguyên đang được bảo tồn nguyên vẹn lại trở thành một thế mạnh, một sức hút khó cưỡng đem lại giá trị kinh tế cao cho những nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp. Tài nguyên nguyên sơ, không bị chia cắt của Lạng Sơn như một viên ngọc phủ bụi mờ đang trở nên lấp lánh và đầy hy vọng tỏa sáng.
Từ định hướng trên, trong khi nhiều địa phương vượt lên phát triển theo hướng đẩy tốc độ, Lạng Sơn lại chọn hướng “lẳng lặng tích cóp” làm dầy hơn các di sản, làm giàu hơn giá trị của tài nguyên du lịch: Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt quy hoạch Mẫu Sơn thành Khu du lịch quốc gia đến năm 2030, công nhận huyện Bắc Sơn là Vùng (huyện) ATK đầu tiên của cả nước; công nhận di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn; di tích quốc gia đặc biệt Chi Lăng. Bia đã chủ quyền Thủy Môn Đình là bảo vật quốc gia...
Hàng chục di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cấp quốc gia đang góp phần tạo nên những nét đặc sắc, riêng có cho du lịch Lạng Sơn - thứ mà du khách khó tìm thấy ở nền du lịch “công nghiệp”.
Cùng với đó, để tiếp tục củng cố sức mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững, tỉnh Lạng Sơn cũng ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ. Tỉnh còn đặc biệt chủ động ban hành cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,... Những nỗ lực này từng bước đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân.
Quốc lộ 1A mới được đưa vào sử dụng từ năm 2000 đã làm nên cơn sốt “Du lịch Lạng Sơn cuối tuần” trong những năm 2000
Từ những năm 2000, nhiều điều kiện thuận lợi đã góp phần tích cực vào việc phát triển ngành du lịch của tỉnh Lạng Sơn. Quốc lộ 1A được đầu tư xây dựng hiện đại, tình hình giao lưu thương mại biên mậu giữa Việt Nam với Trung Quốc qua đường bộ Lạng Sơn có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu đi du lịch Việt Nam của khách Trung Quốc tăng cao...
Du lịch Lạng Sơn từ năm 2000 - 2014 tăng trưởng mạnh. Một số sản phẩm du lịch đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của Lạng Sơn như: Du lịch biên giới kết hợp mua sắm; du lịch văn hóa, tâm linh kết hợp mua sắm, tham quan, trải nghiệm;... Du lịch qua biên giới bằng xe ô tô, xe máy tự lái và xe đạp tuy chưa phổ biến nhưng có tiềm năng và giá trị cao, được hình thành sớm và có tính định vị thị trường.
Du lịch Lạng Sơn đang tích tụ sức mạnh, chờ thời cơ vươn cao, vươn xa
Việc tăng cường hợp tác với các tỉnh trong nước, liên kết vùng cũng góp phần không nhỏ mở rộng thị trường, nâng cấp chất lượng du lịch Lạng Sơn. Có thể kể đến như tăng cường hoạt động hợp tác phát triển giữa Lạng Sơn với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Đặc biệt, từ cuối năm 2016 và sang năm 2017 sau khi ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn có những ký kết hợp tác phát triển du lịch biên giới với thành phố Sùng Tả, thị Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc, trong tương lai gần hiệu quả kinh tế của ngành du lịch có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với hiện nay.
Từ những điểm trên có thể thấy ứng xử thông minh và hướng đi độc đáo mới đã và đang tạo nên những giá trị độc lập, đồng thời hứa hẹn tạo nên cơ hội cùng nền tảng phát triển bền vững cho du lịch miền biên giới
Theo LÝ HẢI (Vietnamnet)