Du xuân lễ hội tháng Giêng - truyền thống văn hóa ngàn năm của dân tộc

25/02/2024 - 08:46

Sau Tết là đến thời điểm rộn ràng của các lễ hội tháng Giêng ở các miền quê. Hằng năm, cả nước có khoảng 9.000 lễ hội lớn, nhỏ rải khắp mọi miền Tổ quốc, và hầu hết diễn ra vào mùa xuân, trong đó tháng Giêng có nhiều lễ hội nhất.

Các liền chị xúng xính trong áo mớ ba mớ bảy trẩy hội Lim.

Các liền chị xúng xính trong áo mớ ba mớ bảy trẩy hội Lim.

Ông bà ta có câu “tháng Giêng là tháng ăn chơi” - du xuân, tham gia lễ hội tháng Giêng là truyền thống văn hóa ngàn năm của dân tộc.

Như hội Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) - lễ hội lớn nhất vùng Kinh Bắc được tổ chức trong hai ngày 12 và 13 tháng Giêng hằng năm, tại ba xã thuộc tổng Nội Duệ xưa. Hội Lim đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vì giá trị văn hóa đặc biệt của trình diễn quan họ trong lễ hội.

Đây là lễ hội thường niên của các làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương, huyện Tiên Du, nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Cùng với phần lễ, phần hội diễn ra tại trung tâm đồi Lim và khu vực hồ điều hòa Vân Tương với nhiều trò chơi dân gian (hát đối đáp quan họ, hát canh quan họ, đu tiên, vật truyền thống, múa rồng, múa lân, bịt mắt bắt dê, đập niêu…).

Các câu lạc bộ quan họ, liền anh, liền chị ở làng quan họ gốc, làng quan họ thực hành và quan họ ngoài tỉnh Bắc Ninh được lựa chọn. Nghệ nhân tham gia hát giao lưu quan họ tại 12 lán… tạo thêm không khí thi đua sôi nổi, cổ vũ động viên người dân tích cực lao động, sản xuất...

Lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ trời, đất, tiên tổ, thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông dựng nước và giữ nước. Bốn chữ hán “tích phúc vô cương” trên ấn mà Vua Trần ban cho con cháu là muốn muôn dân lan rộng cái phúc, dạy dỗ trăm họ gìn giữ gia phong, kỷ cương, đạo đức; phải tích tụ phúc cho thật tốt, thật đủ thì mai sau lộc hưởng mới bền vững.

Du xuân lễ hội tháng Giêng để hiểu hơn ý nghĩa của tiền nhân, để gắn kết tình cảm gia đình, để rồi đem lại niềm vui, sự hứng khởi, tiếp thêm năng lượng tích cực để mỗi thành viên trong gia đình bước vào một năm lao động, học tập mới.

Ý nghĩa giáo dục vô cùng sâu sắc của việc các Vua Trần ban ấn là muốn truyền cho con cháu lời răn sâu sắc mà tổ tiên để lại cho muôn đời con cháu. Tại lễ khai ấn đền Trần năm nay, thật mừng vì không còn tình trạng người dân tự đóng ấn, nhận ấn “ngoài luồng”. Việc khai ấn hoàn toàn do các cụ thủ từ đền Trần tiến hành trong đêm 14 tháng Giêng, sau đó mới phát cho nhân dân. Việc phát ấn do Hội Cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi phường sở tại thực hiện theo phân công.

Trù liệu lượng khách về đền chiêm bái, thực hiện các nghi lễ tâm linh và xin lộc ấn đầu năm sẽ rất đông, Ban tổ chức lễ hội và nhà đền đã chuẩn bị tới 30 vạn bản ấn để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách thập phương, kể từ 5 giờ sáng 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn (24/2), nhà đền bắt đầu tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương và kéo dài đến hết tháng Giêng. Nhằm không để xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, mất an toàn trong lễ hội, nhất là tại lễ khai ấn, cơ quan chức năng tỉnh Nam Định đã huy động 2.500 cán bộ, chiến sĩ công an và nhân viên các lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự; bảo đảm giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ...

Lễ hội chùa Hương (tại Di tích quốc gia đặc biệt thắng cảnh quần thể Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) kéo dài ba tháng, là lễ hội giàu tính nhân văn, ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Quần thể danh thắng chùa Hương gồm có 21 ngôi chùa, động thờ Phật, ngôi đền thờ Thần theo tín ngưỡng nông nghiệp bản địa và gắn liền với Phật giáo Đạo tràng chùa Hương.

Lễ hội còn là nơi hội tụ các nét đẹp văn hóa cổ truyền như: Bơi thuyền, leo núi, hát văn, hát chèo, đêm thơ, rước kiệu… cùng với tiếng trống khai hội linh thiêng... Chầm chậm Xuân về lòng đất chuyển/Nhạc trời thanh thoát rộn muôn phương/Tâm linh một thoáng bừng giao cảm/Lặng hết bao nhiêu lớp sóng cồn... Nhà chùa chỉ tổ chức các khóa lễ cầu quốc thái dân an.

Đổi thay lớn nhất tại lễ hội năm nay là dịch vụ thuyền đò được kiểm soát bằng hệ thống máy kiểm tra vé đò tự động. Việc bán vé được chuyển từ mô hình truyền thống sang điện tử; bỏ bán vé tại hai cổng Đục Khê và Tiên Mai, chuyển sang phục vụ bán vé thắng cảnh và vé thuyền đò tại bến đỗ phương tiện của du khách. Khách phải có vé đò mới được xuống bến. Tất cả chủ đò, chủ thuyền (đều là thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương vừa ra đời) không còn được tự ý đón khách như trước.

Du khách được lực lượng nhân viên thuộc hợp tác xã sắp xếp lên đò, chuyến đò nào đủ 20 khách thì rời bến, chấm dứt tình trạng chèo kéo, vòi thêm tiền từ du khách... Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương đã phối hợp chính quyền để bảo đảm các điều kiện, như: Đăng ký, đăng kiểm, gắn biển số, phao cứu sinh, ghế ngồi, giỏ đựng rác... trên thuyền, đò; xây dựng phương án điều tiết giao thông đường thủy để giữ an toàn, văn minh, thân thiện cho du khách.

Lễ hội mùa xuân trên nước Việt, dẫu là lễ hội có lịch sử hàng ngàn năm, lễ hội trăm năm hay những lễ hội mới xuất hiện cách đây vài thập kỷ, đều phản ánh nét đẹp rạng rỡ của tâm hồn Việt trong niềm vui náo nức đón xuân. Mỗi dịp lễ hội đều mang đến một đặc trưng và giá trị riêng biệt, giúp thế hệ trẻ ngày nay có thêm hiểu biết về công lao của tổ tiên, kế thừa và phát huy niềm tự hào về truyền thống của quê hương đất nước.

Mỗi lễ hội giống như một sợi dây kết nối cộng đồng, liên kết quá khứ, hiện tại và tương lai. Các lễ hội không chỉ xây dựng nên các không gian văn hóa trang trọng và linh thiêng, mà còn tạo nên không khí rộn ràng và náo nức. Là nơi mỗi người Việt đến để thưởng thức niềm vui mùa xuân, vừa để dâng tràn xúc cảm tưởng nhớ và kính trọng cha ông, sự tri ân các bậc tiền nhân và thấm nhuần việc bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Du xuân lễ hội tháng Giêng để hiểu hơn ý nghĩa của tiền nhân, để gắn kết tình cảm gia đình, để rồi đem lại niềm vui, sự hứng khởi, tiếp thêm năng lượng tích cực để mỗi thành viên trong gia đình bước vào một năm lao động, học tập mới.

Theo TÔ NAM (Nhân dân)