Năm 2018, toàn huyện đã thực hiện trên 1.000 cuộc tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức. Trưởng phòng Tư pháp huyện Phú Tân Đặng Hồng Thái cho biết, phương pháp “mưa dầm thấm lâu” là cấp phát sách pháp luật, sách nhỏ hỏi - đáp pháp luật, tờ bướm, đề cương, duy trì thường xuyên việc tuyên truyền miệng thông qua hội nghị, hội thi, sinh hoạt ngày pháp luật, đài truyền thanh…
Cách làm trên thuận lợi hơn cho người dân, hạn chế ảnh hưởng đến công ăn việc làm và sự tập trung lắng nghe của người dân. Điển hình tại xã Bình Thạnh Đông, thành viên Ban hòa giải của xã và các tuyên truyền viên nắm bắt kiến thức pháp luật, việc hòa giải thấu tình đạt lý nên công tác hòa giải cơ sở đa số đạt yêu cầu đề ra.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Thạnh Đông Phạm Thị Mỹ Duyên chia sẻ: “Để người dân nắm được pháp luật, cán bộ phải chọn lọc nói những gì dễ hiểu, gần gũi với người dân nhất, như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống mua, bán người, phòng, chống tệ nạn xã hội… thay vì nêu lại nội dung luật dài dòng”.
Phiên tòa giả định là một hình thức giáo dục hiệu quả để người dân tiếp nhận kiến thức pháp luật dễ hiểu, dễ nhớ
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn trang bị 106 tủ sách pháp luật với 4.971 đầu sách phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của cán bộ và nhân dân. Trong năm, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật huyện đã phát động cuộc thi “Sáng tác kịch bản tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về các quyền dân sự, chính trị” trên địa bàn huyện.
Phòng Tư pháp phối hợp Huyện đoàn đăng cai tổ chức hội thi “Thanh niên với các hình thức tuyên truyền pháp luật” (cụm Phú Tân, TX. Tân Châu). Các đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật cho mọi đối tượng, tổ chức phiên tòa giả định giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong thanh niên và quần chúng nhân dân ở địa bàn dân cư.
Mô hình này đã được Đoàn Thanh niên duy trì hiệu quả nhiều năm qua và tại hội thi “Thanh niên với các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật” cấp tỉnh, đơn vị huyện Phú Tân đã xuất sắc đạt giải nhất. Tiểu phẩm tham gia tại hội thi là sự việc có thật xảy ra trên địa bàn liên quan đến 10 vụ vỡ hụi có quy mô lớn.
Tương tự, hầu hết các “Phiên tòa giả định” được Huyện đoàn tổ chức luân phiên tại các xã, thị trấn, trường học là câu chuyện có thật được tái hiện dưới sự hợp sức của đoàn viên Tòa án, Văn phòng UBND và HĐND, Phòng Tư pháp…
Địa điểm được chọn thực hiện phiên tòa giả định là những xã phức tạp về tình hình an ninh trật tự hoặc tuyên truyền theo nhu cầu đăng ký của các địa phương theo chủ đề, chủ điểm hàng tháng. Hình thức sân khấu hóa được người dân quan tâm đến xem, thông qua đó tiếp nhận kiến thức pháp luật dễ dàng hơn.
Những phiên tòa giả định mang tính trực quan không chỉ phản ánh những hành vi phạm tội, các quy định pháp luật nghiêm cấm và mức án được áp dụng, mà còn giúp người dân biết được ranh giới giữa đúng và sai, tính nghiêm minh của pháp luật thông qua mức án được tuyên xử.
Qua đó, giáo dục và trang bị cho đoàn viên, thanh niên những kiến thức pháp luật cơ bản, các cấp bộ Đoàn còn quan tâm xây dựng những sân chơi như: “Rung chuông vàng”, “Thanh niên với văn hóa giao thông” trong trường học, tập huấn kiến thức an toàn giao thông cho trẻ em.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trong đoàn viên, thanh niên và học sinh, phối hợp các ngành tuyên truyền tình hình an ninh trật tự, Luật Phòng, chống ma túy, tội phạm, HIV/AIDS, xây dựng lối sống lành mạnh và tuân thủ pháp luật cho các bạn trẻ.
MỸ HẠNH