Đưa tác phẩm nghệ thuật vào không gian số

11/06/2021 - 19:36

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng và góp phần khai thác tiềm năng của nhiều loại hình nghệ thuật, một nhóm họa sĩ, chuyên gia văn hóa và kỹ sư công nghệ đã bắt tay thực hiện dự án "Cổng trời" - cung cấp nền tảng xác nhận và chuyển giao quyền sở hữu số đối với tác phẩm nghệ thuật. Sau lễ ra mắt tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, dự án nhận được sự quan tâm và hợp tác của nhiều nghệ sĩ, người yêu nghệ thuật.

"Cổng trời" khởi đầu với mỹ thuật, nhiếp ảnh và có mục tiêu lâu dài hơn nữa là đưa cả âm nhạc, văn học, điện ảnh, sân khấu... vào thế giới kỹ thuật số. Dự án sử dụng công nghệ NFT (Non-Fungible Token: mã định danh không thể thay thế) để số hóa các tác phẩm nghệ thuật với tính xác thực và quyền sở hữu duy nhất, cùng tồn tại song song với bản gốc.

NFT xuất hiện từ năm 2017 và dần phổ biến trên thế giới với gần 60 sàn NFT nghệ thuật đã ra đời, thực hiện thành công nhiều giao dịch đấu giá lên tới hàng triệu USD cho các bức tranh, ảnh. "Cổng trời" là sàn NFT đầu tiên ở Việt Nam, có các chức năng của phòng triển lãm trực tuyến, đồng thời cho phép thực hiện các giao dịch mua-bán. Một tác phẩm nghệ thuật được giới thiệu trên "Cổng trời" có thể của nghệ sĩ chuyên nghiệp đã nổi tiếng, hoặc tác giả nghiệp dư, nhưng đều phải qua quá trình thẩm định chặt chẽ của một hội đồng giám tuyển có uy tín, trong đó có họa sĩ Phạm An Hải và Phạm Bình Chương (sáng lập và điều hành diễn đàn nghệ thuật Viet Art Now)... Viet Art Now (tạm dịch: Nghệ thuật Việt đương đại) là một cộng đồng hoạt động sôi nổi, quy tụ khá đông đảo nghệ sĩ có tên tuổi và công chúng yêu mến mỹ thuật Việt Nam, cũng là đối tác quan trọng của "Cổng trời". GS,TS, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã bày tỏ ủng hộ việc đưa các tác phẩm mỹ thuật lên nền tảng số bởi: "Ðại dịch Covid-19 đang và sẽ hạn chế rất nhiều việc tổ chức những cuộc triển lãm, biểu diễn trực tiếp, "Cổng trời" bổ sung một kênh truyền thông phù hợp cho các văn nghệ sĩ, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa đem lại hiệu quả cao hơn trong việc quảng bá tác phẩm".

Một số tác phẩm đang được đấu giá trên trang web Cổng trời.

Trong phiên giao dịch đầu tiên ra mắt, "Cổng trời" bán thành công 21 tác phẩm. Sau một tháng chính thức hoạt động, dự án liên tục được bổ sung tác phẩm mới, chủ yếu là hội họa, nhiếp ảnh, và mới đây nhất là bộ sản phẩm NFT âm nhạc đầu tiên ra mắt ngày 29-5, hợp tác với thương hiệu lễ hội âm nhạc Ravolution. Ðối với nghệ thuật, công nghệ NFT đã được chứng minh có nhiều ưu điểm như: tính độc bản không thể bị tác động bởi môi trường hay con người, lưu trữ vô hạn và vĩnh viễn, phương thức giao dịch đơn giản và tiện lợi, tiếp cận được nhiều người xem... Ðặc biệt, dữ liệu NFT khác với các dữ liệu kỹ thuật số thông thường là không thể dễ dàng sao chép hay tải về, góp phần bảo vệ bản quyền cho tác giả, tác phẩm trong môi trường số. Bên cạnh đó, các NFT nghệ thuật có thể tạo thành kho dữ liệu để tương thích với các ứng dụng thực tế ảo (như VRhome, Oculus...) giúp người sở hữu xây dựng bộ sưu tập số với chi phí tương đối thấp.

Trên thực tế, xu hướng số hóa diễn ra trên mọi lĩnh vực của cuộc sống và nghệ thuật không đứng ngoài cuộc. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công nghệ NFT có tiềm năng không nhỏ để tiếp tục phát triển, giúp nghệ sĩ kết nối với công chúng và có thêm thu nhập từ tác phẩm của mình. Theo thống kê, chỉ tính riêng trong lĩnh vực mỹ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam có gần 2.000 hội viên, Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh có gần 700 hội viên. Mỗi họa sĩ sở hữu trung bình hàng trăm tác phẩm, nếu tính tổng số tác phẩm của họa sĩ chuyên nghiệp trên toàn quốc thì nhu cầu lưu giữ, trưng bày và chào bán là rất lớn. "Cổng trời" được kỳ vọng là một kênh phổ biến và giao dịch nghệ thuật hiện đại, minh bạch, gia tăng giá trị cho tác phẩm, bên cạnh phương thức giao dịch cổ điển. Theo đó, giá trị của độc bản số sẽ tỷ lệ thuận với số lần được chuyển nhượng. Tất nhiên, các tác phẩm nghệ thuật ở bên ngoài không gian số vẫn luôn có những giá trị thưởng thức không thể thay thế đối với người yêu nghệ thuật và giới sưu tập truyền thống. Nhưng với việc tham gia dự án "Cổng trời", các họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà sản xuất âm nhạc... có thêm một cách an toàn để đưa những "đứa con tinh thần" của mình đến với khán giả ở bất kỳ đâu, vào mọi lúc. Ðặc biệt, đối với các tác phẩm nghệ thuật phi vật thể (như bài hát, bộ phim), thông thường người hâm mộ lưu giữ khoảnh khắc và cảm xúc bằng cách xin chữ ký nghệ sĩ, chụp ảnh chung..., còn "Cổng trời" có thể cung cấp một phương thức mới mẻ: NFT hóa riêng một đoạn trích tác phẩm với chữ ký số của nghệ sĩ
thể hiện.

Với mong muốn xây dựng được cộng đồng NFT lớn mạnh, nhóm thực hiện dự án cho biết trong thời gian ngắn nhất sẽ số hóa khoảng 50 nghìn tác phẩm tranh để giới thiệu và giao dịch, đồng thời mở rộng phạm vi trên tất cả các lĩnh vực khác của mỹ thuật như điêu khắc, sắp đặt, đồ họa. "Cổng trời" đang xúc tiến phối hợp Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Viện IDECAF, Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam... cùng nhiều nhà sưu tầm lớn hoặc người thừa kế các tác phẩm nghệ thuật đắt giá, để thực hiện quá trình số hóa và lưu giữ cho muôn đời sau các tác phẩm nghệ thuật có giá trị của Việt Nam, trong đó có các tên tuổi danh họa như Lê Phổ, Tô Ngọc Vân. Cùng với đó là các hoạt động nghệ thuật phong phú như tổ chức cuộc thi vẽ kỹ thuật số, dự án cộng đồng "Âm thanh hội họa" hỗ trợ họa sĩ khiếm thính...

Theo HẢI LÂM (Báo Nhân Dân)