Giữ lửa nghề truyền thống
Ông Nguyễn Thanh Hòa, chủ cơ sở SX tranh kiếng Thanh Hòa cho biết, nghề làm tranh kiếng ở địa phương xuất hiện từ cách đây trên dưới 100 năm. Vào những năm 1995-2000, làng nghề phát triển hưng thịnh nhất, hầu như mỗi nhà đều làm. SP đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Không những tiêu thụ ở địa phương, tranh kiếng được tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL, miền Đông và miền Trung. Nhưng từ năm 2000 trở đi, tranh kiếng ngày càng khó tiêu thụ, SP làm ra bán không được, nhiều hộ phải bỏ nghề, chuyển sang công việc khác để mưu sinh.
Đứng trước những khó khăn, cơ sở SX tranh kiếng Thanh Hòa vẫn không chùn bước. Để vượt qua những trở ngại, ông Hòa đã tìm tòi, nghiên cứu, cho ra những SP mới có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đồng thời, không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhờ vậy, cơ sở đã vượt qua khó khăn, đứng vững trên thị trường cho đến nay.
Theo đánh giá của ông Hòa, nghề làm tranh kiếng đang có dấu hiệu phục hồi. Nhu cầu thị trường tăng, SP làm ra dễ bán, số lượng ngày càng nâng cao. “Từ đầu năm 2018 đến nay, nhu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng tranh kiếng ngày càng nhiều. Tuy không rầm rộ như khoảng 20 năm trước, nhưng đây là tín hiệu đáng mừng cho nghề làm tranh kiếng truyền thống của địa phương”- ông Hòa chia sẻ.
Hiện nay, cơ sở SX tranh kiếng Thanh Hòa là một trong những cơ sở SX lớn của địa phương. “Hiện chúng tôi sản xuất 2 dòng SP chính là tranh trang trí và tranh thờ. Đối với tranh thờ, nội dung chủ yếu vẫn là tranh chủ đề: song long, long phụng, tứ linh, tranh chữ... Đối với tranh trang trí có nhiều mẫu mã hơn, chủ đề gồm: phong cảnh, tấn tài tấn lộc, mã đáo thành công... Bình quân mỗi tháng, cơ sở SX cung ứng cho thị trường trên dưới 500 SP các loại. Giá mỗi loại dao động từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn, có loại lên đến 1 triệu đồng”- ông Hòa giới thiệu.
Ngoài ra, cơ sở còn tạo công ăn việc làm cho 7 lao động địa phương, tham gia vào các công việc như: đóng khung, kéo lụa, tẩy kiếng... với mức thu nhập từ 4-8 triệu đồng/người/tháng.
Cơ sở sản xuất tranh kiếng Thanh Hòa không ngừng cải tiến mẫu mã, chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường
Không ngừng cải tiến
Bên cạnh cải tiến kỹ thuật SX tranh, cơ sở SX tranh kiếng Thanh Hòa còn tìm kiếm, lựa chọn những nguyên liệu chất lượng để cho ra những SP ưng ý. Cùng với khung tranh làm bằng gỗ, cơ sở còn phát triển thêm loại khung làm bằng nhôm, với các ưu điểm như: bền, chắc, giá thành rẻ, thời gian sử dụng lâu hơn. Hiện nay, cơ sở SX tranh kiếng Thanh Hòa áp dụng song song 2 phương pháp là kéo lụa và vẽ tay.
Ông Hòa cho biết: “Tranh sử dụng phương pháp kéo lụa là tranh SX đại trà, số lượng làm ra nhiều nên giá thành tương đối rẻ. Đối với phương pháp vẽ tay, nội dung thường do khách đặt nên kỳ công hơn. Thời gian làm lâu, tranh được chăm chút tỉ mỉ nên giá thành cao hơn. Đặc biệt, hiện nay cơ sở còn phát triển thêm dòng tranh kiếng cẩn ốc xà cừ. Loại tranh này đòi hỏi nhiều công sức, sự tỉ mỉ, khéo tay nên giá khá cao so với các SP cùng loại. Mặc dù giá cao, nhưng khách hàng rất ưa chuộng mặt hàng này”.
Với sự đổi mới không ngừng về mẫu mã và chất lượng, SP tranh kiếng của cơ sở SX tranh kiếng Thanh Hòa được bình chọn là 1 trong 9 SPCNNTTB của tỉnh (năm 2018). Ông Hòa cho biết: “Việc được công nhận SPCNNTTB có ý nghĩa hết sức to lớn đối với chúng tôi. Khi SP được công nhận tiêu biểu sẽ có thêm cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy phát triển SXKD. Đồng thời, Nhà nước cũng có những chính sách hỗ trợ để cơ sở đầu tư máy móc, thiết bị. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng SP, giảm giá thành SX, mang lại lợi nhuận cao".
ĐỨC TOÀN