'Đua' vào lớp 10 trường chuyên, phụ huynh mất ngủ vì lo con stress

15/06/2021 - 08:19

Sau khi kết thúc bài thi môn Toán lớp 10 công lập tại Hà Nội, Hoàng Minh lao vào nhà vệ sinh bật khóc, không phải do không làm được bài, mà vì cậu trót làm sai một ý trong đề và có thể sẽ không đạt điểm tuyệt đối.

Đưa con đi thi trong suốt 3 ngày vừa qua, chị Nguyễn Minh Thu (46 tuổi, Hà Nội) luôn trong trạng thái bất an, lo lắng. Con trai chị học tại một trường dân lập có tiếng ở Hà Nội, vốn nằm trong top đầu của lớp. Đỗ vào lớp chuyên Toán luôn là mục tiêu của Minh và cũng là kỳ vọng của gia đình.

“Tuy nhiên, sau buổi thi môn Toán chung, con về nhà và khóc nức nở vì trót làm sai ý cuối cùng của đề. Con nói rằng đề thi năm nay không khó, do đó con lo sợ nhiều bạn sẽ đạt điểm cao hơn mình. Con áp lực vì lẽ ra không thể để sai như thế”, chị Thu nói.

Phụ huynh đợi con kết thúc kỳ thi ở cổng trường chuyên

Mặc dù không gây áp lực cho con về chuyện trượt đỗ, nhưng nỗi lo “trượt trường chuyên” của con cũng khiến chị bất an và không khỏi xót xa.

“Con bị ảnh hưởng tâm lý rất nhiều. Đến khi thi môn chuyên, con nói mình loay hoay vẽ hình đến lần thứ 3 mới được. Con còn hỏi mẹ liệu có nên tiếp tục thi Chuyên Khoa học Tự nhiên nữa hay không. Nhìn con áp lực, lòng bố mẹ như mình cũng không yên”, chị Thu chia sẻ.

Kỳ vọng sẽ đỗ vào chuyên Toán, năm nay, Hoàng Minh đăng ký vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên và Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội. Đi thi 6 ngày liên tiếp đầy vất vả và mệt mỏi, chị Thu mất ngủ vì lo con sẽ stress.

“Bây giờ cạnh tranh để vào trường chuyên vô cùng khốc liệt. Nhiều gia đình xác định cho con theo chuyên Toán từ sớm nên họ đã đầu tư ngay từ lớp 6, nhất là trong những trường nổi tiếng với thành tích “khủng” về các môn tự nhiên.

Do đó, để con mình vào được chuyên Toán cũng cần phải có sự đầu tư bài bản, từ việc chọn lớp, tìm thầy chứ không thể nửa vời được. Kỳ vọng và đầu tư như vậy, ai cũng sẽ mong có được “trái ngọt”. Nhưng giờ đây, mình chỉ mong con hãy giữ tinh thần thoải mái và làm hết khả năng của mình trong 3 buổi thi tiếp theo”, chị Thu nói.

Ngóng đợi con bước ra khỏi phòng thi

Cũng có con dự thi vào 3 trường chuyên trong 6 ngày liên tục, chị Nguyễn Phương Phi (43 tuổi, Hà Nội) phải xin nghỉ làm từng đó thời gian để đồng hành cùng con tới trường thi.

Chị Phi cho biết, ngay từ năm lớp 8, cả hai mẹ con đều xác định sẽ thi vào trường chuyên để có được môi trường học tập tốt nhất. “Đây sẽ là nơi con có nhiều thời gian phát triển chuyên sâu vào lĩnh vực mà con yêu thích và có khả năng. Nếu đỗ, đó sẽ là cơ hội tốt để con được cọ xát với nhiều bạn giỏi và để phấn đấu”, chị Phi nói.

Cũng là người làm trong ngành giáo dục, trong năm học vừa qua, chị Phi nói mình đã đồng hành cùng con bằng cách làm “xe ôm” chở con tới các lớp học thêm, in rất nhiều đề học sinh giỏi của các tỉnh để con ôn luyện.

Giai đoạn thi, chị còn chủ động gợi ý con ngủ cùng để mẹ có thể gọi con dậy đúng giờ thi, dù con là con trai.

“Trước ngày thi môn chuyên, con trằn trọc vì lo lắng. Con nhờ mẹ xoa lưng để giúp dễ ngủ hơn. Nghe con nói vậy mà mình cũng rơi nước mắt vì thương”, chị Phi nói.

Điều chị mong mỏi nhất là con có thể thi đỗ vào ngôi trường chuyên mà mình vẫn mơ ước.

Một bà mẹ rạng rỡ khi thấy con bước ra khỏi phòng

Nhà ở Ứng Hòa, cách điểm thi Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ gần 30 cây số, cả hai mẹ con chị Nguyễn Hoài (49 tuổi, Hà Nội) phải ở nhờ nhà người thân tại Khu đô thị Văn Phú. Từ đó tới trường thi chỉ cách chưa đầy 1 cây số, nhưng buổi thi nào, chị cũng ngồi ở ngoài cổng để chờ con.

“Từ lớp 1 tới giờ, kể cả khi con thi ngay ở gần nhà, lần nào tôi cũng xin nghỉ làm, đứng ở cổng trường chờ con thì mới yên tâm. Đây lại là thời điểm quyết định sau 4 năm học của con, do đó tôi phải ở lại để khi con cần vẫn có thể xoay sở”.

Ngoài 2 trường công lập tại Ứng Hòa, đây là ngôi trường chuyên duy nhất con trai chị Hoài đăng ký dự thi.

“Con vốn tự giác và học tập tốt. Ở trường, con thường đứng top đầu và cũng là người duy nhất của trường được đi thi và đoạt giải cấp huyện. Vì thế, khi con muốn thử sức với trường chuyên, tôi đồng ý vì muốn con đi ra biển lớn xem mình là ai”.

“Nhưng đỗ trường chuyên hay không, điều đó không quá quan trọng”, chị Hoài nói.

Dang tay ôm con khi kỳ thi kết thúc

Lý do, theo chị là bởi, nếu con có sự tự giác, dù trong môi trường nào cũng có thể phát huy thế mạnh của mình.

“Con thích học chuyên nhưng tôi không gây áp lực. Anh trai của cháu đi thi đại học vẫn đạt 28 điểm, là thủ khoa của trường cấp 3 và lọt top 110 toàn quốc dù chỉ học trường thường ở Ứng Hòa. Do đó, trước khi con thi, tôi cũng chỉ động viên con cố hết sức, nếu đỗ thì rất tốt và mẹ sẽ tạo điều kiện cho học, còn không sẽ về trường gần nhà, không có gì phải buồn rầu cả.

Do đó, con đi thi trong tâm trạng thoải mái, để thử xem sức mình đến đâu. Cho dù không đỗ, cả hai mẹ con cũng đều vui vẻ dắt tay nhau về “trường làng”, chị Hoài nói.

Theo THÚY NGA (Vietnamnet)

 

Liên kết hữu ích