Đưa Việt Nam trở thành nước đi đầu về chuyển đổi số trong giáo dục

09/12/2020 - 19:00

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay chuyển đổi số sẽ là nhiệm vụ được Bộ Giáo dục và Đào tạo coi là đột phá trong những năm tới đây.

Hội thảo đã thể hiện quyết tâm của các bên về việc thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo. (Ảnh: Pv/Vietnam+)

Thực hiện với tinh thần thần tốc, bứt phá để đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia đi đầu về chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo là quyết tâm được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại “Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo”.

Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, 9/12, với sự chủ trì của hai bộ trưởng và sự tham gia của lãnh đạo các tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, đại diện các cơ sở giáo dục đại học.

Cơ hội cho Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh ngành giáo dục đào tạo xác định chuyển đối số có vai trò rất quan trọng để triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo.

Cũng theo ông Nhạ, thực hiện tốt chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo sẽ góp phần triển khai thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số. “Đây là cơ hội để Việt nam có thể đuổi kịp, thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển trên thế giới,” ông Nhạ nói. Vì thế, Bộ trưởng Nhạ cho hay một nhiệm vụ ngành giáo dục rất quan tâm là làm sao tạo ra những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành những công dân toàn cầu.

Cùng quan điểm với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi coi cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội cho Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh cách mạng công nghệ 4.0 khác các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây khi đòi hỏi sự nhanh nhạy của tư duy chứ không chỉ là sự thay đổi về phương thức sản xuất. Vì thế, theo ông Hùng, để bứt phá không yêu cầu các quốc gia phải có tài chính để đầu tư phương thức sản xuất như trước đây mà mở ra cơ hội cho những nước đi sau như Việt Nam, những người dám đột phá, dám làm ngược, làm mới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV)

“Ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều chủ trương đổi mới nhưng thiếu một công cụ thực thi hiệu quả. Cuộc cách mạng số đã mang đến cho ngành một công cụ mang tính cách mạng, đó là các platform. Không chỉ thực thi hiệu quả, nó còn cho phép ngành có những cải cách và triệt để hơn nữa,” ông Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cuộc cách chuyển đổi số giáo dục và đào tạo, nhất là đại học và dạy nghề là con đường đúng nhất và nhanh nhất để tạo ra sự đột phá trong ngành. Mục tiêu của chuyển đổi số đại học là nâng cao chất lượng đào tạo nhưng giảm tải cho giáo viên, là đổi mới mô hình dạy và học, là hỗ trợ các công cụ giảng dạy mới cho giáo viên. Chuyển đổi số đại học là tập trung vào thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số. Ngành giáo dục và đào tạo cần đầu tư xây dựng các nền tảng số để nội dung giảng dạy được đẩy trên nền tảng, giáo viên sẽ tập trung vào việc tạo giá trị tăng thêm trên các nền tảng này.

“Bộ Thông tin và Truyền thông xin cam kết đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tao trong hành trình đầy thách thức và vinh quang này bởi vì chuyển đổi số đầu tiên nhắm vào giới trẻ và từ đó thúc đẩy cho toàn xã hội,” ông Hùng nói.

Nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn tới

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng để thực hiên chuyển đổi số thì đầu tiên và quan trọng nhất là quyết tâm chính trị của lãnh đạo cao nhất. Ngành giáo dục và đào tạo cần một nghị quyết của ban cán sự Đảng bộ Bộ và một đề án của Bộ trưởng về chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo. Tiếp theo là sự thay đổi một số thể chế về phương thức và mô hình dạy học.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: PV)

Thay đổi về thể chế để tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong chuyển đối số cũng là kiến nghị của đại diện các công ty công nghệ và các tổ chức quốc tế tại hội thảo. Các doanh nghiệp đề nghị bộ cho phép truy cập nguồn dữ liệu trên 50.000 cơ sở giáo dục và 25 triệu học sinh, cán bộ giáo viên của ngành trên cơ sở vẫn đảm bảo các yêu cầu bảo mật, nhằm phân tích các dữ liệu để đưa ra các giải pháp phù hợp với nhu cầu thực tiễn của ngành.

Đánh giá cao quyết tâm của hai bộ trưởng, các doanh nghiệp đã ký kết các văn bản hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo đồng thời cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đưa ra một lộ trình, kế hoạch cụ thể.

“Tôi mong hai bộ trưởng sẽ giúp mở tất cả các cánh cửa để chúng ta có một cuộc chiến thần tốc,” Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình nói. “Có thể thử nghiệm 6 tháng và mở rộng trong hai năm,” ông Trương Gia Bình phát biểu.

Ghi nhận những ý kiến và sự đồng hành của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất cao với Bộ Thông tin Truyền thông và các bộ, ngành liên quan cũng như các tập đoàn công nghệ.

“Hội nghị hôm nay rất đặc biệt khi có lãnh đạo các bộ ngành, các tập đoàn công nghệ hàng đầu cùng tham dự. Đây là lời cam kết quan trọng để đảm bảo mục tiêu của ngành giáo dục là cố gắng phấn đấu để Việt Nam sẽ trở thành một trong quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo. Chúng ta làm tốt nhiệm vụ này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động; tạo cơ hội lớn để hội nhâp quốc tế. Đây là nhiệm vụ được Bộ Giáo dục và Đào tạo coi là đột phá trong những năm tới đây,” ông Nhạ nói.

Theo PHẠM MAI (Vietnamplus)