Đừng “đánh tráo khái niệm” trong vấn đề tôn giáo

12/08/2022 - 07:49

 - Một trong những “chiêu bài” của thế lực thù địch, đối tượng phản động khi thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” tại Việt Nam là xoáy sâu vào vấn đề tôn giáo, với những câu từ “cả vú lấp miệng em”, đánh tráo khái niệm để làm sai lệch bản chất vụ việc.

Các tôn giáo được tạo mọi điều kiện hoạt động

Mũi dùi” xuyên tạc về tôn giáo vẫn còn được sử dụng là do các thế lực thù địch nắm chặt tính chất nhạy cảm của tôn giáo và một số hạn chế, thiếu sót của chính quyền địa phương trong công tác tôn giáo. Vì thế, họ ra sức tuyên truyền xuyên tạc về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo của Đảng, nhà nước, rằng “hệ thống chính sách pháp luật về tôn giáo của Việt Nam không tương đồng với luật pháp quốc tế về quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo”; “việc xây dựng, ban hành quy định pháp luật về tôn giáo là thòng lọng đối với hoạt động của các tôn giáo”; việc xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, hành chính, dân sự… liên quan chức sắc, tín đồ tôn giáo là “đàn áp tôn giáo”.

Cuối tháng 7, khi vụ án liên quan đến các bị cáo tại “Tịnh thất Bồng Lai" (tỉnh Long An) được đưa ra xét xử thì một lần nữa, những kẻ “thương vay, khóc mướn” lại được dịp đăng đàn “mượn gió bẻ măng”. Cả 6 bị cáo đều bị truy tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, nhận mức án từ 3-5 năm tù.

Trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Các bị cáo đã phạm tội có tổ chức, nhưng tại phiên tòa không có ý thức khai báo, không có thái độ ăn năn để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Cả đất nước Việt Nam tán đồng với mức án nghiêm minh, “không ai được phép đứng ngoài pháp luật” này. Thế nhưng, RFA lại đặt vấn đề “Tịnh thất Bồng Lai nói bị vu cáo - nỗi oan ai giải?”, cùng lập luận: “Các thành viên tại Tịnh thất Bồng Lai cho rằng mình bị truyền thông làm nhục và vu khống. Đây là ẩn khuất mà sau phiên sơ thẩm công luận vẫn bất bình”. VOA thì lớn giọng: “Các nhà quan sát tình hình tự do tôn giáo cho VOA biết rằng, ông Lê Tùng Vân và các thành viên của "Tịnh thất Bồng Lai" đã bị chính quyền gán ghép cho một tội danh mà họ không vi phạm, chỉ vì chính quyền muốn “triệt tiêu” tổ chức này”.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hay nhiều đất nước trên thế giới, nếu vi phạm pháp luật, người dân đều bị xử lý theo pháp luật, không phân biệt về tôn giáo, tín ngưỡng. Các bị cáo trong vụ án liên quan đến "Tịnh thất Bồng Lai", cùng một số cá nhân theo Báo cáo thường niên của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ và diễn đàn xã hội mang cái tên mỹ miều “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo”. Thực chất, họ là những công dân Việt Nam nhưng hoạt động chống đối nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia hoặc nhân danh tôn giáo vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam nên bị xử lý theo quy định.

Sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đó là điều hiển nhiên. Mặt khác, nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không phân biệt hay kỳ thị bất kỳ tôn giáo nào, miễn hoạt động của họ nằm trong khuôn khổ pháp luật. Các cá nhân và tổ chức tôn giáo được nhà nước tạo thuận lợi, đảm bảo điều kiện sinh hoạt tôn giáo bình thường, như: Hoàn thiện cơ cấu tổ chức giáo hội; cơ sở thờ tự và sinh hoạt tôn giáo, về kinh sách phục vụ cho việc tu học và hành đạo, về đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, người hướng dẫn việc đạo, về mở rộng các mối quan hệ quốc tế…

Đến năm 2018, nhà nước Việt Nam công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với 26.689.748 tín đồ, trong đó có 57.716 chức sắc, 130.167 chức việc. Các tôn giáo ở Việt Nam có 29.854 cơ sở thờ tự và hơn 60 cơ sở đào tạo, trong đó có 17 trường đào tạo trình độ đại học. Từ năm 2003 đến năm 2017, có 9.343 cơ sở thờ tự của tôn giáo ở Việt Nam được phục hồi và xây mới.

Đến năm 2020, hầu hết cơ sở thờ tự đã được trùng tu, sửa chữa, trong đó khoảng 1/3 cơ sở được tu sửa ở quy mô lớn. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đăng cai tổ chức nhiều hoạt động tôn giáo quy mô lớn, mang tầm khu vực và quốc tế, diễn ra trong thời gian dài, như: Công giáo với Lễ Năm thánh 2010, Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu năm 2012; Phật giáo với Đại lễ Phật đản Vesak năm 2008, 2014, 2019; đạo Tin lành với lễ kỷ niệm 500 năm Tin lành cải chính năm 2017…

Trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, nhà nước Việt Nam quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm “phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo”. Đồng thời, nghiêm cấm hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo “xâm phạm quốc phòng - an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”.

Những quy định này nhằm đảm bảo trật tự, an ninh công cộng, đảm bảo quyền cơ bản của con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân, đảm bảo chủ quyền quốc gia, dân tộc. Điều luật này tuân thủ Điều 14 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (năm 2013), hoàn toàn phù hợp với Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Làm lơ trách nhiệm “thượng tôn pháp luật”, chỉ nhăm nhăm đòi “quyền lợi” cho một vài cá nhân vi phạm pháp luật, chỉ có những kẻ cực đoan, ấu trĩ mới nghĩ ra được!

 T.M

 

Liên kết hữu ích