Lực lượng ủng hộ Chính phủ Libya được LHQ công nhận xung đột với các tay súng thuộc lực lượng do Tướng Khalifa Haftar dẫn đầu ở Salah Al-Din, Tripoli. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, các nhân chứng cho biết, từ trung tâm thành phố, họ có thể nghe thấy tiếng pháo hạng nặng ở vùng ngoại ô. Chiến sự được ghi nhận là dữ dội nhất kể từ ngày 6/5 - thời điểm bắt đầu tháng Lễ Ramadan của người Hồi giáo. Kể từ khi LNA phát động chiến dịch nhằm vào thủ đô Tripoli ngày 4-4, các lực lượng ủng hộ GNA đã tiến quân về khu vực Salaheddin, phía Nam thủ đô Tripoli.
Ông Moustafa al-Mejii, phát ngôn viên của GNA, cho biết các máy bay chiến đấu được sự yểm trợ của lực lượng trên mặt đất đã thực hiện các vụ không kích nhằm vào các xe tăng và vũ khí hạng nặng trong một doanh trại của LNA.
Hơn 6 tuần giao tranh giữa LNA và các lực lượng ủng hộ GNA đã khiến 510 người thiệt mạng, 2.467 người bị thương, 75.000 người phải rời bỏ nhà cửa trong khi 100.000 người bị mắc kẹt tại các khu vực giao tranh.
Cũng trong ngày 21-5, Đại sứ Liên hợp quốc tại Libya Ghassan Salame cảnh báo giao tranh leo thang ở ngoại ô thủ đô Tripoli "chỉ là sự khởi đầu của một cuộc chiến dai dẳng và đẫm máu". Ông Salame nhấn mạnh nếu không hành động ngay lập tức để ngăn chặn bạo lực, Libya có nguy cơ rơi vào một cuộc nội chiến mới cũng như một thảm họa nhân đạo.
Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres cho biết TTK Guterres muốn sự đoàn kết trong Hội đồng Bảo an (HĐBA) về vấn đề Libya.
Tại buổi họp báo ngày 21-5, khi được hỏi rằng TTK LHQ cho rằng HĐBA cần phải làm điều gì bây giờ, ông Dujarric trả lời: "Tôi cho rằng, giống như các trường hợp xung đột khác, điều quan trọng nhất mà chúng ta cần từ HĐBA, tối thiểu là sự thống nhất. Thống nhất là thông điệp cho tất cả các bên để làm bất cứ thứ gì họ có thể thực hiện để ngăn chặn xung đột và nghĩ đến người dân".
Khi được hỏi liệu HĐBA có yêu cầu một lệnh ngừng bắn hay không, ông Dujarric cho biết điều đó phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng.
Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Ở quốc gia Bắc Phi này hiện tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Lực lượng của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn. Xung đột giữa hai bên leo thang sau khi Tướng Haftar ngày 4-4 vừa qua phát động chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli. Chiến dịch quân sự của Tướng Haftar khiến dư luận lo ngại về một cuộc nội chiến mới tại quốc gia Bắc Phi này.
Theo TTXVN