Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, ông Nguyễn Văn Lễ (sinh năm 1975) cho biết, năm 1995 cha mẹ cho phần đất cất nhà ở. Nguồn gốc đất này là của ông, bà ngoại (Nguyễn Văn Sai, Trần Thị Hương) có từ năm 1945. Sau đó, ông, bà ngoại cho lại cha mẹ ông là Nguyễn Văn Hữu. Đến năm 1993, ông Hữu cho lại các con gồm: Nguyễn Văn Trỗ (diện tích 13,5mx20m); Nguyễn Thị Trinh và Nguyễn Văn Lễ (cùng diện tích 6mx20m). Năm 1995, do khó khăn, vợ chồng ông Lễ cất ngôi nhà tre lá để sinh sống. Sau đó, gia đình ông lao động tích lũy được ít tiền lo cho con ăn học, một phần xây lại ngôi nhà. Đến năm 2018, vợ chồng ông tập kết vật liệu xây dựng. Khi đó, hộ ông Cao Văn Được biết. Đầu năm 2019, gia đình ông Lễ đang bó nền nhà thì bị ông Được ngăn cản, làm đơn khiếu nại. Vợ chồng ông Lễ khiếu nại và mời hòa giải nhiều lần nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Hậu quả, số vật liệu xây dựng họ đã mua không còn sử dụng được.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Lễ trình bày vụ việc
“Dù phần đất đang ở chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), nhưng gia đình tôi sử dụng nhiều năm, ai cũng biết, không bị tranh chấp. Đến nay, tự dưng ông Được ngăn cản việc xây dựng nhà là vi phạm pháp luật. Trong các cuộc hòa giải, gia đình tôi thể hiện sự gắn kết tình hàng xóm, hỗ trợ 15 triệu đồng để kết thúc sự việc, nhưng ông Được không đồng ý. Gia đình tôi yêu cầu nhà nước xem xét, buộc phía ông Được bồi thường thiệt hại về số vật liệu xây dựng và thời gian chúng tôi mất việc làm” - bà Bùi Kim Hạnh bức xúc.
Phóng viên liên lạc với ông Cao Văn Được để tìm hiểu thêm sự việc, nhưng không được. Tuy nhiên, qua đơn khiếu nại và nhiều biên bản hòa giải của địa phương, được biết: ông Cao Văn Được cho rằng, đất tranh chấp là của ông nội ông (Trần Văn Thai, sinh 1887, ngụ ấp Bắc Thạnh, xã Thoại Giang), sau đó cho Trần Kim Hiệp (sinh năm 1922, cha ông Được), năm 2002 lại tiếp tục đến ông Được. Quá trình cho nhận đất có 2 người làm chứng. Đất dài 35m, ngang 36m, chưa có GCNQSDĐ. Trước đây, ông Hiệp cho ông Nguyễn Văn Hữu cất nhà ở dù không phải bà con thân thuộc. Đến thời ông Được sử dụng phần đất, có cho ông Hữu cất ngôi nhà chiều ngang 5m, dài 15m ở vĩnh viễn. Sau ngày ông Hữu qua đời, các con ông đã mở rộng diện tích và lấn chiếm đất. Ông Được yêu cầu bà Nguyễn Thị Trinh, ông Nguyễn Văn Lễ trả lại phần đất họ đã ở nhiều năm qua, không đồng ý việc hỗ trợ hay bồi thường.
Nói về việc này, ông Nguyễn Văn Trung (nguyên Phó Trưởng ban Nhân dân ấp Tây Huề) cho biết: “Hai hộ này cất nhà ở đã lâu năm, nhưng đều chưa có GCNQSDĐ, cũng không tranh chấp đất với nhau. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Lễ có ngôi nhà tre lá cất đã lâu, nhưng họ thường lao động ở xa. Gần đây, họ dành dụm được tiền, đang chuẩn bị xây dựng nhà thì bị phía ông Cao Văn Được làm đơn khiếu nại. Ai cũng nói nguồn gốc đất là của ông bà, cha mẹ để lại. Địa phương đã hòa giải nhiều lần nhưng vẫn không đi đến thống nhất. Rất mong ngành chức năng xem xét giải quyết, kết thúc vụ việc”.
UBND xã Bình Thành thông tin: “Vụ tranh chấp này diễn ra chưa lâu, ai cũng nói phần đất là của mình, nhưng không trưng ra được chứng cứ, cơ sở thuyết phục. Địa phương đã gặp gỡ, vận động 2 bên thương thảo nhau và tổ chức hòa giải nhiều lần. Hội đồng hòa giải đã thông báo kết quả hòa giải không thành. Theo quy định của pháp luật, ông Nguyễn Văn Lễ, ông Cao Văn Được, các hộ liên quan được và quyền yêu cầu UBND huyện Thoại Sơn hoặc khởi kiện vụ việc ra Tòa án nhân dân huyện Thoại Sơn để xem xét, giải quyết”.
Bài, ảnh: N.R