Những tín hiệu khả quan
Thổ cẩm là một sản phẩm đặc trưng của đồng bào DTTS nói chung, đồng bào DTTS Khmer nói riêng. Tại xã Văn Giáo (huyện Tịnh Biên), nghề dệt thổ cẩm xuất hiện từ khá lâu. Trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng chừng như bị mai một, nhưng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành và địa phương, nghề dệt truyền thống của đồng bào DTTS Khmer xã Văn Giáo đang “hồi sinh” trở lại.
Theo tập quán, nghề được thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau. Đặc biệt, có những gia đình có trên ba thế hệ gắn bó với nghề. Thời gian đầu, người dân địa phương thực hiện hầu như tất cả các công đoạn, từ trồng dâu, nuôi tằm, quay tơ, se tơ, nhuộm tơ, dệt... Sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hộ gia đình và mua bán trong phạm vi phum, sóc. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, dân cư sơ tán nên nghề dệt dần bị mai một. Sau đó, một số phụ nữ đồng bào DTTS Khmer có tâm huyết với nghề đã sản xuất trở lại, đồng thời mong muốn khôi phục lại nghề truyền thống của dân tộc.
Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ
Dấu mốc đánh dấu cho sự phục hồi của nghề dệt thổ cẩm truyền thống vào năm 1998, từ sự hỗ trợ của Tổ chức CARE (Australia), Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai dự án “Khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo”. Năm 2002, địa phương đã tiến hành thành lập “Hợp tác xã dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo”, với 70 thành viên. Hiện nay, số thành viên trong hợp tác xã còn 63 người. Hợp tác xã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, UBND tỉnh công nhận là Làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Ngoài ra, sản phẩm làng nghề liên tục được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam và nhiều giải thưởng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Người dân thêm thu nhập
Là chủ cơ sở quy mô, đồng thời cũng là người truyền nghề cho nhiều lao động nữ tại địa phương, bà Néang Chanh Ty cho biết, hiện nay sản phẩm thổ cẩm của người dân địa phương đã có mặt ở các thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngày trước, để dệt thổ cẩm, người dân phải trồng dâu, nuôi tằm, se tơ… Hiện nay, nguyên liệu tơ tằm được mua phần lớn từ tỉnh Lâm Đồng. Loại tơ tằm đảm bảo cho thành phẩm có độ mềm, mịn, mát mẻ và sắc óng đẹp mắt. Cũng theo bà Néang Chanh Ty, hiện nay, để tạo ra 1 sản phẩm hoàn chỉnh phải qua 5 công đoạn chính: Nhuộm tơ, phơi nắng, làm bông, nhuộm sợi màu lần 2, đánh sợi và lâu nhất là khâu dệt. Sản phẩm dệt từ thổ cẩm chủ yếu là mặt hàng có giá trị sử dụng, như: Xà-rông, khăn choàng cổ, các loại khác theo đặt hàng...
Một điều khiến cho du khách, khách hàng trong, ngoài nước ưa thích thổ cẩm Văn Giáo là ở sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trên từng họa tiết hoa văn, màu sắc của tấm vải. Để tạo nên những hoa văn tinh tế, tơ sau khi “buộc bông” được nhuộm nhiều lần để cho ra màu sắc ưng ý. Chỉ riêng khâu buộc chỉ để tạo hoa văn trên thổ cẩm mất khoảng 15 - 20 ngày. “Ngoài phương pháp phổ biến là “bắt bông” trước khi đem dệt, hiện nay, rất hiếm thợ còn giữ được kỹ thuật dệt hoa văn trực tiếp trên khung” - bà Néang Chanh Ty chia sẻ.
Theo bà Néang Chanh Ty, mỗi khung dệt cho ra một hoa văn khác nhau. Chỉ 1 dây màu sẽ tạo thành lỗi trên toàn bộ sản phẩm. Do đó, người thợ dệt cần phải tỉ mỉ, khéo léo mới tạo ra được sản phẩm chất lượng, đẹp. Đặc biệt, hầu hết công đoạn dệt thổ cẩm đều thực hiện bằng phương pháp thủ công, đến nay vẫn chưa có máy móc thay thế. Thợ dệt giỏi mất khoảng 7 ngày mới hoàn thiện xong hoa văn trên thổ cẩm. “Sản phẩm làm theo đơn đặt hàng, làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Tùy theo độ tinh xảo, hình dáng hoa văn, kích thước vải thổ cẩm… mà mỗi sản phẩm có giá từ 1 - 2,5 triệu đồng” - bà Néang Chanh Ty cho biết.
Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm đã góp phần tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, chủ yếu là lao động nữ. Sự phát triển của làng nghề đã góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS Khmer xã Văn Giáo nói riêng và huyện Tịnh Biên nói chung.
ĐỨC TOÀN