Khí hydro từ lâu được đánh giá là loại năng lượng ít thải khí thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, dù loại năng lượng này được quan tâm tại EU, trước tiên là trong ngành công nghiệp nặng và vận tải, nhưng chi phí cao và thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp đã khiến lượng tiêu thụ hạn chế, chỉ chiếm 2% trong tổng nhu cầu năng lượng của cả khối.
Hầu hết tiêu dùng ở EU là loại hydro "xám" hoặc "xanh lam" tạo ra từ khí tự nhiên, loại làm tăng chi phí và thải khí liên quan. Điều này tạo điều kiện tiếp cận với hydro xanh lá, được làm từ năng lượng tái tạo, trở thành một ưu tiên.
Chiến lược năng lượng của EU trong tháng 5 đặt mục tiêu nhập khẩu ít nhất 10 tấn hydro xanh lá vào năm 2030, và 10 triệu tấn được sản xuất trong EU. Theo kế hoạch này, EU sẽ ký một biên bản ghi nhớ (MOU) với Namibia về hydro và khoáng sản tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Ai Cập tháng 11 tới.
Tổng Giám đốc Ban kế hoạch quốc gia Namibia, ông Obeth Kandjoze cho biết đàm phán đang được tiến hành nhằm đạt một thỏa thuận về khí hydro xanh. Tuy nhiên, quan chức trên không đề cập đến khoáng sản. Về phần mình, Ủy ban châu Âu (EC) chưa bình luận gì về thỏa thuận, song cho biết sẽ thảo luận về các dự án hydro xanh tại Namibia. Các quan chức trên không bình luận về chi phí liên quan đến vận chuyển nhiên liệu. Các MOU thường không nêu chi tiết cụ thể về lượng nhập khẩu, đầu tư và thời gian biểu, song là văn bản thể hiện cam kết chính trị quan trọng, mở đường cho các quan hệ đối tác lâu dài.
Tháng trước, EU đã ký một MOU với Israel và Ai Cập về nhập khẩu khí tự nhiên, một phần trong nỗ lực nhằm tìm các nhà cung cấp mới để giảm sự phụ thuộc vào dầu khí và than đá của Nga.
Namibia là một trong những nước khô hạn nhất thế giới và đang tìm cách khai thác tiềm năng lớn của mình về năng lượng Mặt trời và năng lượng gió để sản xuất khí hydro xanh. Chính phủ Đức đã nhất trí đầu tư 40 triệu euro (41,8 triệu USD) vào lĩnh vực hydro xanh của Namibia và các công ty của Bỉ cũng như Hà Lan đang hoạt động ở Namibia trong lĩnh vực này.
Ông Kandjoze cho biết quỹ đầu tư trực tiếp của EU đối với Namibia khá hạn chế, nhưng thỏa thuận có thể sẽ thu hút các nhà đầu tư khác và được tài trợ thông qua trái phiếu xanh. EU cũng muốn tiếp cận dễ dàng hơn tới khoáng sản của Namibia và có kế hoạch đầu tư các dự án địa chất nhằm khai thác nguồn tài nguyên của một quốc gia có diện tích gần bằng nước Pháp và Đức cộng lại. Namibia nằm trong những nước được ưu tiên trong "Chiến lược Cổng toàn cầu" của EU nhằm thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và quan hệ ngoại giao với các nước đang phát triển.
Theo Báo Tin Tức