Cảnh trong trích đoạn kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.
Đây là sự kiện bế mạc Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921-2021). Đến dự có các đồng chí: Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; PGS,TS,Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan; cùng nhiều thế hệ nghệ sĩ sân khấu kịch nói.
Phát biểu tại buổi lễ, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổng kết lại những hoạt động chính trong Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam, bắt đầu với việc công diễn vở “Chén thuốc độc” tối 21/10 - vở diễn đánh dấu sự ra đời, phát triển của nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam; tiếp theo là hàng loạt vở kịch tiêu biểu của các nhà hát được biểu diễn như: Người tốt nhà số 5 (Nhà hát Kịch Việt Nam), Ai là thủ phạm (Nhà hát Tuổi trẻ), Bạch đàn liễu (Sân khấu Lucteam), Phải có ba đồng (Nhà hát Kịch Hà Nội), Chí Phèo-Thị Nở (Sân khấu Lệ Ngọc). Cùng với đó là Chương trình Gala Tinh hoa hội tụ 100 năm sân khấu kịch nói được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt phải nói tới Hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam-Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”
“Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam như một nén tâm nhang dâng lên tổ nghiệp để tri ân công sức, đóng góp của các bậc tiền bối sân khấu kịch nói Việt Nam. Đây là sự kiện biểu thị mong muốn của cả giới nghệ sĩ sân khấu Việt Nam về vực dậy sân khấu kịch sau khó khăn, sau đại dịch Covid-19 đang diễn ra khốc liệt trên toàn cầu. Sau lễ kỷ niệm này, chúng tôi hy vọng sân khấu Việt Nam nói chung, sân khấu kịch nói nói riêng sẽ vượt qua thách thức, lấy lại hy vọng và sự phấn khích để trở thành người đối thoại xứng đáng với đương thời. Trước nhất, chúng ta phải cố gắng nối lại mạch đập kịch trường hàng đêm được sáng đèn, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Chúng ta hy vọng và có quyền hy vọng từ những đốm lửa được nhen lên sau tuần kỷ niệm thành công 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam!”, NSND Thuý Mùi nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, ban tổ chức đã vinh danh, tri ân mười nghệ sĩ lão thành đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam, đó là các nghệ sĩ: NSND Doãn Hoàng Giang; NSND Trần Tiến; NSND Doãn Châu; tác giả Tất Đạt-Giải thưởng Nhà nước về VHNT; Nhà nghiên cứu lý luận phê bình, PGS Tất Thắng; NSND Kim Cương; NSƯT Hoàng Quân Tạo; tác giả Sĩ Hanh- Giải thưởng Nhà nước về VHNT; NSND Phạm Thị Thành; NSND Ngọc Phương.
Bộ VHTTDL đã trao bằng khen của Bộ trưởng cho 7 tập thể (bao gồm: Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Sân khấu Lucteam, Sân khấu Lệ Ngọc, Trung tâm Sân khấu và Phát triển) và 18 cá nhân đã có nhiều nỗ lực cho thành công của Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói.
Cũng tại lễ bế mạc, khán giả được giao lưu với các tác giả, nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng, đồng thời thưởng thức một số trích đoạn kịch tiêu biểu như: Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Nhà hát Kịch Việt Nam), Cát bụi (Nhà hát Kịch Hà Nội), Lời thề thứ chín (Nhà hát Tuổi trẻ).
Theo TRANG ANH (Nhân Dân)