Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới thay đổi theo cách chưa từng thấy. Từ chuyện làm việc từ xa, họp trực tuyến đến các hoạt động thường nhật cũng bị xáo trộn.
Game thủ chờ đợi công nghệ nào trong năm 2021?
Dưới guồng quay đó, duy chỉ có ngành game vẫn bình yên trong cơn bão khi những công nghệ đã được áp dụng trong năm qua không còn quá xa lạ với game thủ. Khi thế giới mò mẫm làm quen với Zoom, các game thủ đã quá quen với việc liên lạc xuyên lục địa bằng Discord. Khi AR được ứng dụng trong việc tìm đường, game thủ đã có nhiều năm chơi đủ các thể loại game AR.
Vậy năm 2021 sẽ có những công nghệ nào thực sự đáng để game thủ chờ đợi?
Điện toán đám mây
Điện toán đám mây (cloud computing) đã được nói đến nhiều trong ngành game từ nhiều năm qua. Từ chỗ ứng dụng để lưu trữ file save đơn giản, đám mây cho chơi game đã hoàn toàn khả dụng để chạy thử ở Mỹ và một số nước châu Âu. Trong đó, đi đầu vẫn là những ông lớn công nghệ Hoa Kỳ như Google, Amazon hay Microsoft, Nvidia.
Về lý thuyết, đám mây chơi game (cloud gaming) cho phép mọi thiết bị có kết nối Internet được trải nghiệm game cấu hình cao mà không phụ thuộc thiết bị đầu cuối. Phần xử lý sẽ được chạy trên máy chủ đám mây và kết quả sẽ được gửi trả về máy khách của người dùng.
Kho game của cloud gaming vẫn còn khá hạn chế so với chợ truyền thống
Trong cả năm 2020, các ông lớn đều nói rất nhiều đến cơ hội triển khai đám mây chơi game rộng khắp, nhưng mãi đến gần cuối năm mới có những bước tiến chậm chạp. Các nhà cung cấp nền tảng đám mây đang gặp phải hai vấn đề lớn, một là thư viện game còn ít và hai là nguồn lực máy chủ đám mây để phục vụ cho nhiều người ở nhiều quốc gia vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra, các ông lớn hiện vẫn chỉ đang tập trung cung cấp giải pháp chơi game đám mây trên di động (Android và iOS), trong khi các thiết bị thông minh khác như tivi sẽ phải chờ đợi. Hiển nhiên chơi trên PC sẽ là mối ưu tiên hàng đầu, nhưng trước một thực tế là chi phí hàng tháng cho đường cáp cố định ở phương Tây cũng không hề rẻ, di động vẫn là nền tảng được ưu tiên hơn cả.
5G và cloud gaming là một sự kết hợp hoàn hảo, nếu có thể triển khai ngay trong năm 2021 này
Cuối cùng vấn đề vẫn sẽ là giá sử dụng dịch vụ đám mây. Có hai chi phí mà người dùng sẽ phải bỏ ra để trải nghiệm chơi game đám mây, một là thiết bị đầu cuối (như tay cầm hoặc thiết bị kết nối riêng) và hai là chi phí hàng tháng (gọi là thuê bao). Giá thuê bao tháng của các dịch vụ đám mây hiện phần lớn dao động trong khoảng từ 4,99 đến 14,99 USD/tháng, rẻ hơn nếu thanh toán trước từ 3 tháng đến 1 năm.
Đáng tiếc là hiện nay các dịch vụ đám mây lớn đều chưa đặt máy chủ ở Việt Nam nhưng trong tương lai đây sẽ là kẻ đe dọa thực sự đến mô hình cyber cấu hình cao cũng như các tổ hợp giải trí gaming cao cấp khác.
5G
Năm 2020, cả thế giới nói rất nhiều về 5G. Một số nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã bắt đầu thử nghiệm mạng không dây thế hệ thứ 5. Kết nối tốc độ cao lên tới 20Gbps sẽ là cơ sở để game thủ đặt kỳ vọng vào một trải nghiệm game không gián đoạn ở bất cứ đâu có sóng.
Sự hiện diện của 5G đồng thời cũng sẽ giúp chơi game đám mây trên di động trở nên khả thi hơn. Nhất là ở các nước phương Tây nơi việc triển khai hạ tầng kết nối có dây gặp nhiều khó khăn mà giá cả lại không hề rẻ.
Tất nhiên, 5G cũng có thể giúp ích cho các game thủ PC nhờ vào một chiếc USB 5G hoặc biến smartphone kết nối 5G thành một điểm phát sóng (hotspot) cho các thiết bị khác kết nối vào.
AR/VR
Như đã nói từ đầu, thực tế ảo đã hiện diện trong thế giới game từ lâu. Tựa game từng tạo ra cơn sốt toàn thế giới hồi năm 2016, Pokemon Go, chính là game thực tế ảo tăng cường (AR) thành công nhất trong lịch sử. Đến năm 2019, Harry Potter: Wizards Unite là cái tên tiếp theo gia nhập hội AR dù không gặt hái được thành công vang dội như người tiền nhiệm.
Năm 2020, cả thế giới đã bị cách ly vì Covid-19, dẫn tới dư địa phát triển cho AR có phần thu bé lại. Nhưng điều đó không có nghĩa là các dự án game AR sẽ bị quên lãng trong năm 2021 này.
VR cần một game bom tấn để tạo nên sự đột phá trong năm 2021 này
Ở góc khác, thực tế ảo (VR) đang được hậu thuẫn tích cực bởi Valve thông qua nền tảng Steam. Triển vọng của công nghệ này là rất rõ ràng khi có quá nhiều nhà phát triển muốn nhảy vào cuộc chơi chiếm đoạt miếng bánh tỷ đô này.
Nhưng tham vọng hơn cả phải kể đến Facebook với dự án Horizon. Năm 2021 rất có thể sẽ là thời điểm chín muồi để Facebook tung ra dự án này trong bối cảnh thế giới có thể vẫn phải tiếp tục cách ly vì Covid-19.
Theo PHƯƠNG NGUYỄN (Vietnamnet)