Ghi danh chiến thắng Hoạch Lân và nữ anh hùng Ba Sy

15/09/2023 - 06:44

 - Hôm nay (15/9), UBND huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) long trọng tổ chức Lễ khánh thành Công viên văn hóa - Bia chiến thắng Hoạch Lân (Woạt Lân) - Bia ghi danh liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Sy tại xã Lê Trì. Đó là nghĩa cử, sự nhắc nhớ cần thiết của thế hệ sau đối với chiến công, sự hy sinh của những anh hùng nơi chiến trường Bảy Núi.


Nữ anh hùng kiên trung

Trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở chiến trường Bảy Núi, có một người phụ nữ xinh đẹp, lại mưu trí, can đảm, rất được đồng đội quý mến là đồng chí Lê Thị Sy (bí danh Ba Sy). Bà sinh năm 1939 tại Hòa Hưng, Sài Gòn (nay thuộc quận 10, TP. Hồ Chí Minh), cha là Vedrenne Marcel (người Pháp lai Việt, viên chức nhà đèn Sài Gòn), mẹ là Lê Thị Ngọc Dung (quê Bảy Núi, gia đình liệt sĩ).

Mặc dù có cuộc sống sung túc nhưng do quê ngoại là vùng căn cứ kháng chiến, thừa hưởng truyền thống yêu nước của quê hương, gia đình, được sự dìu dắt của người cậu (liệt sĩ Năm Võ, hy sinh năm 1968), Lê Thị Sy hình thành tư tưởng cách mạng rất sớm. Những năm đầu chống Mỹ, bà thoát ly gia đình, học lớp y tá và lớp bồi dưỡng chính trị, văn hóa; tiếp tục công tác giao liên, chịu trách nhiệm liên lạc, móc nối với các trạm giao liên bí mật ở Châu Đốc.

Năm 1960, Ba Sy vận động, cảm hóa và xây dựng anh Sóc Bai, là lính dân vệ xã Lê Trì (huyện Tri Tôn) thành cơ sở nội tuyến. Kết quả, Sóc Bai cùng một tiểu đội dân vệ mang toàn bộ vũ khí về với cách mạng. Đây là lần đầu tiên huyện Tri Tôn vận động được một tiểu đội phản chiến. Cùng với sáng kiến “Kỹ thuật xạ kích Ba Sy”, bà còn chỉ huy đội du kích mật bắn tỉa làm hàng chục tên địch chết và bị thương, trong đó có cố vấn Mỹ.

Với những thành tích đã đạt được, năm 1964, Ba Sy được tổ chức đề bạt làm Xã đội trưởng, trực tiếp chỉ huy đội du kích xã Lê Trì, vừa chiến đấu chống càn, vừa tham gia bảo vệ an toàn căn cứ Văn phòng Tỉnh ủy tại Ô Vàng. Ngày 19/5/1968, đồng chí Lê Thị Sy vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam; luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao bằng nghị lực phi thường.

Tháng 3/1969, Ba Sy hy sinh khi bị địch ném bom, để lại sự tiếc thương của đồng đội về một người con gái xinh đẹp, giỏi giang mang 2 dòng máu Pháp - Việt, một cán bộ kiên trung cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho quê hương Bảy Núi. Ngày 30/1/2011, Chủ tịch nước đã truy tặng Lê Thị Sy danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tri ân tiền nhân

Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Lê Trì là một trong những căn cứ địa cách mạng quan trọng của huyện và tỉnh, có nhiều đóng góp to lớn. Cùng với tấm gương kiên trung của nữ anh hùng Ba Sy, có nhiều chiến công gắn liền với các địa danh của quân, dân Lê Trì, như: Vồ Cờ, ô Hồng Hoàng, vồ Đá Đen, đồi 81…

Trong đó, tiêu biểu là chiến thắng ấp chiến lược Hoạch Lân (Woạt Lân) năm 1964, mở đầu cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của quân và dân trong toàn huyện Tri Tôn, cổ vũ tinh thần và góp phần làm thất bại âm mưu “chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965) của đế quốc Mỹ.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lê Trì Nguyễn Hoàng Vĩnh cho biết, UBND huyện Tri Tôn đã chủ trương đầu tư xây dựng công viên văn hóa gắn với bia chiến thắng Hoạch Lân và bia ghi danh nữ liệt sĩ Lê Thị Sy tại vị trí đối diện UBND xã Lê Trì.

“Công viên và bia chiến thắng, bia ghi danh sẽ trở thành địa điểm văn hóa, là nơi các học sinh, đoàn viên, thanh niên tổ chức các hoạt động về nguồn, tìm hiểu, vun đắp truyền thống lịch sử; quảng bá vùng đất, con người Lê Trì kiên trung, anh hùng. Đây là địa điểm để bà con nhân dân tổ chức sinh hoạt cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết, sẻ chia, tạo tiền đề, động lực cho Đảng bộ và Nhân dân xã Lê Trì vươn lên phát triển” - ông Nguyễn Hoàng Vĩnh nhấn mạnh.

Theo đó, công trình Công viên văn hóa - Bia chiến thắng ghi danh liệt sĩ xã Lê Trì đã thi công hoàn thành, xây dựng trên diện tích 3.800m2, tại vị trí diễn ra trận đánh ấp chiến lược Woạt Lân năm 1964. Công trình gồm các hạng mục: Nhà văn hóa, bia tưởng niệm, sân lễ, hàng rào, trồng cây xanh, hoa kiểng, pa-nô tuyên truyền, hệ thống đèn chiếu sáng…

Ngoài nguồn ngân sách huyện hỗ trợ, công trình còn huy động xã hội hóa từ các đơn vị, cá nhân tài trợ, như: Công ty TNHH Liên doanh Antraco 350 triệu đồng và 400m3 đá; Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang 200 triệu đồng và 25 tảng đá; Chi nhánh Công ty TNHH MTV 622 - Xí nghiệp Khai thác và Chế biến đá Cô Tô 50 triệu đồng; Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết An Giang 50 triệu đồng; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh 7.000m3 đất (tương đương 350 triệu đồng); các doanh nghiệp trong, ngoài xã và Nhân dân xã Lê Trì trên 100 triệu đồng.

Công trình được hoàn thành thể hiện tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm của lãnh đạo huyện Tri Tôn, nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ và Nhân dân vùng Bảy Núi. “Đảng bộ và Nhân dân xã Lê Trì nguyện phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, truyền thống anh hùng cách mạng, bản sắc văn hóa, phấn đấu xây dựng xã Lê Trì ngày càng phát triển” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lê Trì Nguyễn Hoàng Vĩnh khẳng định.

NGÔ CHUẨN