Giá dầu, chứng khoán lao dốc

10/03/2020 - 08:47

Đã xuất hiện dự báo giá dầu sẽ giảm xuống còn khoảng 20 USD/thùng trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu lao dốc do Covid-19

Giá dầu thế giới hôm 9-3 chứng kiến sự lao dốc tồi tệ nhất kể từ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 sau khi liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu ngoài khối (gọi là OPEC+) tan rã do bất đồng về tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) đối với nhu cầu dầu toàn cầu.

Giá dầu thô Brent ở Anh có lúc giảm 31% (tức 14,25 USD), xuống còn 31,2 USD/thùng. Giá dầu thô tại Mỹ cũng có lúc giảm 31%, xuống còn 27,9 USD/thùng. Diễn biến kịch tính này xảy ra sau khi Moscow vào cuối tuần rồi bác bỏ đề xuất của OPEC về việc cắt giảm sản lượng hơn nữa nhằm ổn định giá dầu đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19, dẫn đến cuộc chiến giá dầu toàn diện giữa các bên.

Riyadh bất ngờ giảm giá bán dầu chính thức từ 6-8 USD/thùng, đồng thời báo hiệu sẽ tăng cường khai thác trong động thái được cho là nhằm gây sức ép lên Moscow và giành lại thị phần. Đáp lại, Nga tuyên bố các công ty nước này có thể khai thác bao nhiêu tùy thích. "OPEC+ rõ ràng khiến thị trường ngạc nhiên bằng cách phát động cuộc chiến giá để giành thị phần" - ông Andy Lipow, Chủ tịch Công ty Tư vấn năng lượng Lipow Oil Associates (Mỹ), nhận định với trang Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản sụt giảm hôm 9-3 do tác động của cú sốc giá dầu và dịch Covid-19 Ảnh: REUTERS

Nỗ lực khống chế dịch Covid-19 tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, khiến lượng dầu sang nước này sụt giảm. Giờ đây, khả năng nhu cầu dầu sụt giảm trong năm nay càng tăng sau khi dịch bệnh lây lan sang các nền kinh tế lớn như Ý, Hàn Quốc trong lúc số ca nhiễm không ngừng gia tăng tại Mỹ. Vì thế, đã xuất hiện những dự báo giá dầu còn giảm hơn nữa trong thời gian tới. Tập đoàn dịch vụ tài chính Goldman Sachs (Mỹ) thậm chí đã đưa ra con số khoảng 20 USD/thùng.

Cú sốc giá dầu cũng lan sang các thị trường chứng khoán trên thế giới, bên cạnh những diễn biến đáng ngại của dịch Covid-19. Một số thị trường chứng khoán châu Á chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đáng chú ý, chỉ số Nikkei của Nhật giảm 5,1% trong khi mức giảm của thị trường chứng khoán Úc là 7,3%, Hàn Quốc 4,3%. Chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương MSCI (không tính Nhật Bản) có ngày tồi tệ nhất kể từ cuối năm 2015 khi sụt giảm 3,7%.

Những diễn biến trên nêu bật nỗi lo ngày càng tăng về tác động kinh tế của dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng. Theo Tổ chức Y tế thế giới, Covid-19 hiện xuất hiện tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 107.000 ca nhiễm. Danh sách này vừa bổ sung thêm một số cái tên như Maldives, Bulgaria, Costa Rica, Malta, Moldova… Thiệt hại kinh tế ngày một lớn của dịch Covid-19, cộng với sự lao dốc của giá dầu khiến nhà đầu tư đổ xô tìm đến các kênh đầu tư an toàn hơn, như đồng yen và vàng. Giá vàng thế giới hôm 9-3 đã tăng 1,6% để lần đầu tiên vượt qua cột mốc 1.700 USD/ounce kể từ cuối năm 2012. 

Philippines ban bố tình trạng khẩn cấp y tế

Chính phủ Philippines hôm 9-3 ban bố tình trạng khẩn cấp y tế giữa lúc có nỗi lo bệnh Covid-19 lan nhanh âm thầm ở thủ đô Manila và các vùng ngoại ô. Tổng thống Rodrigo Duterte đã ký sắc lệnh ban bố tình trạng y tế khẩn cấp vài giờ sau khi cơ quan y tế ghi nhận 10 ca mắc Covid-19 tại nước này. Học sinh tại 3 thành phố và 2 thị trấn đã tạm nghỉ học trong tuần này để các lớp học được khử trùng.

Trước đó một ngày, Malaysia ghi nhận thêm 6 ca mắc Covid-19, nâng tổng trường hợp nhiễm tại nước này lên 99. Đây là quốc gia có số ca Covid-19 cao thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ đứng sau Singapore. Nhà chức trách Malaysia vào tuần rồi buộc phải cấm tất cả du thuyền cập cảng nhằm tập trung nguồn lực y tế cho các bệnh viện.

Đến nay, Ý là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu Âu với số ca tử vong và ca nhiễm toàn quốc lần lượt là 366 và 7.375. Đáng chú ý, có 133 ca tử vong được thông báo hôm 8-3. Trong khi đó, Iran hôm 9-3 thông báo số ca tử vong vì Covid-19 tăng thêm 43, lên 237 trong lúc số ca nhiễm là 7.161.

Nỗi lo về Covid-19 tại Mỹ cũng gia tăng khi dịch bệnh này đã lan sang khoảng 30 bang, trong đó một số bang đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Số ca nhiễm đã tăng lên ít nhất 537 trong lúc 21 trường hợp tử vong.

Ngoài ra, 21 người trong số 3.500 người trên du thuyền Grand Princess ngoài khơi bang California cho kết quả dương tính với Covid-19. Du thuyền dự kiến cập cảng tại TP Oakland trong ngày 9-3.

Theo Người lao động

 

Liên kết hữu ích