Giá dầu, giá vàng châu Á đồng loạt đi xuống trong phiên giao dịch sáng 9/5

09/05/2022 - 13:30

Giá dầu châu Á giảm trong phiên giao dịch sáng 9/5 bởi lo ngại suy giảm kinh tế toàn cầu có thể làm giảm nhu cầu dầu mỏ.

Một trạm bơm xăng ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Các nhà đầu tư cũng đang quan tâm đến các cuộc đàm phán trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) về lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga, được cho là sẽ thắt chặt nguồn cung toàn cầu.

Giá dầu Brent giảm 28 xu Mỹ (0,3%) xuống 112,11 USD/thùng vào lúc 8h53 phút (giờ Việt Nam), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 41 xu Mỹ (0,4%) xuống 109,36 USD/thùng.

Nhà phân tích Tina Teng của trung tâm CMC Markets cho biết, lo ngại suy thoái kinh tế và các đợt đóng cửa để phòng chống COVID-19 của Trung Quốc là những yếu tố chính gây áp lực lên giá dầu và có thể tiếp tục ảnh hưởng đến giá dầu trong thời gian tới.

Các thị trường tài chính toàn cầu cũng đang bất ổn trước những lo ngại về việc tăng lãi suất và các đợt đóng cửa phòng chống COVID-19 kéo dài ở Trung Quốc đang gây thiệt hại cho nền kinh tế thứ 2 thế giới này.

* Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 9/5, giá vàng tại thị trường châu Á đi xuống khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng cao và đồng USD mạnh hơn, tạo sức ép giảm cho các tài sản được định giá bằng đồng bạc xanh.

Giá vàng giao ngay giảm 0,1%, xuống 1.880,56 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ mất 0,2%, xuống 1.879,30 USD/ounce.

Đồng USD dao động gần mức cao nhất trong 20 năm so với các đồng tiền chủ chốt khác, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn, kém hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Tăng trưởng việc làm của Mỹ tốt hơn dự kiến trong tháng 4/2022 khi các nhà sản xuất tăng cường tuyển dụng, làm nổi bật sự vững mạnh của nền kinh tế dù tăng trưởng kinh tế trong quý I/2022 chỉ ở mức -1,4%.

Hai trong số những tuyên bố mang tính “diều hâu” nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuối tuần trước đã đẩy lùi quan điểm rằng ngân hàng Mỹ đã bỏ lỡ lợi thế trong cuộc chiến chống lạm phát, thắt chặt các điều kiện tài chính đã bắt đầu cải thiện trước khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào tháng Ba vừa qua.

Mặc dù vàng được xem như một “thiên đường trú ẩn an toàn” trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế và chính trị, nhưng kim loại quý này rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất trong ngắn hạn và lợi suất trái phiếu của Mỹ.

Thị trường châu Á khởi đầu không mấy suôn sẻ vào buổi sáng đầu tuần khi thị trường chứng khoán cũng “đỏ bảng”, trong khi đó, đợt phong tỏa xã hội nghiêm ngặt ở Thượng Hải (Trung Quốc) làm dấy lên lo ngại về toàn cầu về tăng trưởng kinh tế và nguy cơ suy thoái.

Mở cửa ngày giao dịch, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội, tăng 150 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua, ở mức 69,7 - 70,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC được Công ty CP Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 69,65 - 70,35 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 150 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 200 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.

Theo Báo Tin Tức