Xe bồn vận chuyển dầu thô tới nhà máy lọc dầu ở Salt Lake, bang Utah, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong phiên giao dịch cuối tuần 7/2, giá dầu thế giới đã phục hồi nhẹ sau khi các lệnh trừng phạt mới đối với xuất khẩu dầu thô của Iran chính thức được áp dụng. Chốt phiên cuối tuần này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 37 xu Mỹ, tương đương 0,5%, lên mức 74,66 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 39 xu Mỹ, tương đương 0,55%, đạt 71 USD/thùng. Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tuần 3/2, giá dầu bật tăng nhờ suy đoán nguồn cung từ hai trong số các nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Mỹ có thể bị gián đoạn bởi các chính sách thuế quan mới của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, triển vọng nhu cầu nhiên liệu suy yếu đã hạn chế đà tăng.
Trong các phiên giao dịch tiếp theo, giá dầu đi xuống khi căng thẳng thuế quan đã phần nào được kiềm chế và có dấu hiệu cho thấy Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những đối tác, hay còn gọi là OPEC+, sẽ duy trì kế hoạch cắt giảm nguồn cung hiện tại.
Cho tới ngày 6/2, việc ông Trump nhắc lại cam kết tăng sản lượng dầu trong nước, sau khi Mỹ công bố mức tăng dự trữ dầu thô lớn hơn nhiều so với dự báo đã khiến giá dầu tiếp tục “mất nhiệt’”.
Chuyên gia John Kilduff, đối tác của công ty tài chính Again Capital LLC, nhận định thị trường dầu hiện gần như tập trung toàn bộ vào các động thái từ Nhà Trắng, bao gồm lệnh trừng phạt và những biện pháp thuế quan.
Ông Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại công ty giao dịch hàng hóa kỳ hạn Price Futures Group, nói các nhà giao dịch đã theo dõi các phát biểu của ông Trump trong ngày 6/2 để tìm kiếm những thay đổi có thể có trong chính sách của Mỹ có thể ảnh hưởng nhanh chóng thị trường.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt mới đối với một số cá nhân và tàu chở dầu giúp vận chuyển hàng triệu thùng dầu thô Iran mỗi năm sang Trung Quốc, trong một động thái gia tăng áp lực lên Tehran.
Việc áp thuế và các biện pháp ngừng trừng phạt có thể là yếu tố hỗ trợ thị trường dầu vì nó tạo ra sự bất ổn, theo nhận định của chuyên gia Michael Haigh, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại ngân hàng Societe Generale. Tuy nhiên, lo ngại về nhu cầu yếu đang hạn chế phản ứng. Ông nói: “Thuế quan và những phản ứng trả đũa từ các quốc gia có thể làm tổn hại đến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu... và nhu cầu dầu mỏ".
Tổng thống Trump đã thông báo đánh thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như một phần trong kế hoạch quy mô lớn nhằm cải thiện cán cân thương mại của Mỹ, nhưng đã đình chỉ kế hoạch áp thuế mạnh lên Mexico và Canada.
Áp lực giảm giá đến từ các tin tức về thuế quan, với những lo ngại về một cuộc chiến thương mại tiềm tàng đã làm dấy lên nỗi lo ngại về việc nhu cầu dầu mỏ sẽ suy yếu, các nhà phân tích tại BMI cho biết.
Theo Báo Tin Tức